Đổi mới l tất yếu khách quan
Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 23/10/2018
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục chỉ rõ: “Hoàn thiện thể chế, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập”.
Hiện, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập , với 2,5 triệu biên chế Hệ thống các văn bản pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập dần từng bước được hoàn thiện, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Theo đó, nguồn thu sự nghiệp đã tăng lên, thực hiện tiết kiệm chi phí để tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, gây bức xúc trong xã hội và còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua, nhất là trong việc tổ chức lại và đổi mới cơ chế, chính sách. Việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, dàn trải; hoạt động hiệu quả thấp, thậm chí một số đơn vị thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công ngày càng tăng, hiện nay gấp khoảng 4 lần số lượng biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa trong các đơn vị sự nghiệp công còn hạn chế, kết quả đạt được thấp và còn thiếu vững chắc.
Với tính cấp bách và ý nghĩa cấp thiết của việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa thực nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm.
Nghị quyết xác định, việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới các đơn vị sự nghiệp công cũng như đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cần được tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhưng thận trọng, vững chắc và đặt trong tổng thể tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sự cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công (xã hội hóa nhưng không thương mại hóa), phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.
Với mục tiêu tổng quát được nêu trong Nghị quyết là: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn... Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập…”.
Từ thực tiễn đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta trong những năm qua cho thấy, việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là đòi hỏi tất yếu khách quan; là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, góp phần vào phát triển đất nước nhanh và bền vững; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.