M a lạnh lm gì với bệnh viêm thanh quản
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:50, 18/12/2014
Thanh quản là cơ quan phát âm và thở, nằm ở trước thanh hầu, từ đốt sống C3 đến C6, nối hầu với khí quản vì vậy nó thông ở trên với hầu, ở dưới với khí quản.
Họng là một ống cơ và màng ở trước cột sống cổ, từ mõm nền tới đốt sống cổ thứ tư, là ngã tư của đường ăn và đường thở, nối liền mũi ở phía trên, miệng ở phía trước với thanh quản và thực quản ở phía dưới. Viêm thanh quản là tình trạng bệnh lý ở thanh quản gây ra bởi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Bệnh thường xảy ra khi thay đổi thời tiết, sau các đợt cảm cúm, viêm mũi họng, hít phải khí độc hại như khói thuốc, hoá chất…
Khi thời tiết thay đổi và vào mùa lạnh nhất là những dịp cuối năm bệnh về vòm họng và thanh quản thường xảy ra rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của nhiều người nhất là ở trẻ em và người cao tuổi.
Triệu chứng và biểu hiện của bệnh viêm thanh quản:
Thông thường, viêm thanh quản cấp xảy ra sau một đợt viêm mũi, xoang, họng cũng có khi bệnh xuất hiện ngay sau khi cảm lạnh với triệu chứng chính là khàn tiếng hay mất tiếng đột ngột. Thời kỳ mới mắc bệnh, người bệnh có biểu hiện là nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, sốt rồi đau họng, cảm giác nóng và khô hoặc bứt rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích gây ho. Sau đó giọng nói bị khàn, đôi khi khàn đặc, thậm chí là mất tiếng. Nếu không được điều trị tích cực bệnh sẽ lan xuống gây viêm khí quản và phế quản.
Bệnh nhân có thể ho từng cơn, lúc đầu ho khan, sau đó ho có đờm nhày. Những triệu chứng trên của bệnh thường kéo dài trong vài ngày. Sau đó, các triệu chứng giảm dần, khoảng sau 7 ngày thì khỏi. Tuy nhiên, cũng có thể chỉ khỏi cơn ho, sốt, chảy mũi nhưng khàn tiếng có thể kéo dài thêm một vài ngày nữa mới khỏi hẳn. Trường hợp viêm thanh quản cấp do virus cúm, sởi… gây nên, hoặc ở trẻ nhỏ bệnh thường lan tiếp theo đường hô hấp gây viêm khí quản và phế quản, nặng hơn nữa có thể gây viêm phổi.
Chăm sóc và biện pháp phòng ngừa viêm thanh quản:
Khi bị viêm thanh quản cấp người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế nói, giữ ấm người, nhất là giữ ấm cổ, gan bàn chân, bàn tay. Khi có biểu hiện bội nhiễm bệnh nhân sốt, ho… thì cần đưa đi khám bệnh để bác sĩ kê đơn, dùng thuốc để điều trị. Để làm giảm các triệu chứng khó chịu, có thể dùng khăn nhúng nước ấm rồi vắt kiệt đắp lên cổ cho bệnh nhân; xông hơi với tinh dầu thơm, nhỏ thuốc ngạt mũi, súc họng… giúp giảm đau, giảm ho và viêm họng.
Để phòng viêm thanh quản cấp thông thường, lưu ý không để bị lạnh, ẩm kéo dài. Nhất là khi đi ra trời mưa về, cần lau khô người, thay quần áo, có thể ủ ấm không để bị lạnh. Không được hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hít phải khói thuốc; khói thuốc làm khô họng và gây kích ứng dây thanh âm. Uống nhiều nước, giúp giữ cho niêm mạc thanh quản được trơn nhẵn và sạch. Hạn chế uống rượu và cà phê để đề phòng khô họng. Khi đi đường, làm việc trong môi trường bụi bẩn nên đeo khẩu trang vừa tránh bụi và tránh được cả lạnh. Khi thấy chớm có những triệu chứng của viêm mũi, viêm họng cấp cần điều trị ngay và điều trị tích cực, như vậy mới khống chế được bệnh không để xảy ra biến chứng, đem lại kết quả điều trị tốt hơn.
Hàng ngày, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng, hầu họng sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối nhạt thường xuyên. Điều trị viêm họng ngăn chặn chuyển sang viêm thanh quản bằng một số bài thuốc đơn giản, an toàn nhưng hiệu quả sau đây:
- Trà mật ong: Lấy 1 thìa mật ong khuấy đều trong chén trà và vắt thêm nửa quả chanh, rồi uống từng ngụm.
- Quất hồng bì thêm chút muối, ngậm nuốt nước từng ít một cho tới khi khỏi.
- Củ hoặc lá rẻ quạt, gừng tươi mỗi thứ 1 lát, nhai ngậm nuốt nước dần, ngày 1 – 2 lần.
- Lá xương sông bánh tẻ 5 – 10 lá. Giấm ăn 20 – 30ml (giấm nuôi bằng chuối là tốt nhất). Lá xương sông rửa sạch để ráo nước, đập nhẹ cho ra tinh dầu rồi nhúng vào giấm. Súc miệng bằng nước muối nhạt (0,9%) rồi ngậm lá xương sông nuốt nước dần, ngày 2 – 3 lần cho tới khi khỏi, thường là 5 – 7 ngày bệnh sẽ tiến triển rõ rệt. Bài thuốc này có tác dụng tốt với các chứng bệnh: viêm họng cấp mạn tính, viêm amiđan, viêm thanh quản kể cả khi đã mất tiếng…