"Nóng" bệnh viêm não Nhật Bản, hàng loạt trẻ nhập viện
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:04, 02/07/2017
Mỗi năm, tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào khoảng tháng 10. Thời điểm này, tuy mới ở giai đoạn đầu, nhưng tình trạng bệnh nhi đến cấp cứu, điều trị, nằm thở máy tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đang ở mức báo động.
Gia tăng bệnh nhi biến chứng nặng do viêm não Nhật Bản
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận 176 ca viêm não trong đó có trường hợp là viêm não Nhật Bản (VNNB). Chỉ riêng trong tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.
Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM có 6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Đây đều là những ca rất nặng, trong đó có 2 ca đã kéo dài gần 1 năm qua. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho 2 bệnh nhi mắc chứng bệnh này.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh viêm não, số trẻ mắc bệnh tập trung từ 7-10 tuổi. Tính chung từ đầu năm 2017 đến nay, số ca viêm não nhập viện đã trên 30 trường hợp.
Qua khảo sát với vài người mẹ có con mắc viêm não Nhật Bản nằm tại BV Nhi Trung ương, họ cho biết mình không hiểu gì về bệnh này và thậm chí không biết con mình đã từng tiêm phòng hay chưa. Trẻ mắc bệnh với dấu hiệu chung trước khi vào viện là sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, trẻ hôn mê hoặc liệt, đa số các trẻ trên 5 tuổi.
TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, thống kê cho thấy 60% số trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% bị di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Đến nay, viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp điều trị tối ưu. Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản đã có vắc-xin phòng bệnh nên cách tốt nhất là tiêm chủng và diệt muỗi.
Kinh nghiệm nhiều năm quan sát viêm não Nhật Bản, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) nhận định: “Lâu nay tôi có cảm giác chúng ta chưa làm gì để kéo giảm số ca viêm não Nhật Bản. Thực tế mỗi năm tình trạng trẻ mắc viêm não Nhật Bản không có dấu hiệu đi xuống, trong khi đó biến chứng để lại rất nặng nề, có trẻ phải nằm thở máy cả năm trời, có cháu mê sảng lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm mô, bội nhiễm phổi kéo dài đưa đến tử vong”, BS Khanh nói.
"Do viêm não cấp xuất hiện rất nhanh, dấu hiệu ban đầu là sốt cao lại rất giống với nhiều bệnh lý thông thường như: cảm, sốt, đau đầu… nên cha mẹ không biết hoặc chủ quan. Nhiều bệnh nhi được dùng thuốc ở nhà, đến khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm não mới đưa tới BV thì bệnh đã nặng. Khi đó, bệnh nhi đã bị rối loạn tri giác, tính mạng bị đe dọa", bác sĩ lưu ý