Vấn đề quan tâm

Quản lý không gian ngầm: Bước đi chiến lược cho đô thị Hà Nội hiện đại

Nguyễn Cúc 23/04/2025 - 12:08

Phát triển không gian ngầm đang trở thành xu hướng tất yếu để Hà Nội mở rộng đô thị theo chiều sâu, hướng tới hiện đại và bền vững. Nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Thủ đô.

Theo Dự thảo Nghị định, trên cơ sở các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, hướng tới việc thiết lập một cơ chế quản lý rõ ràng, minh bạch và có tính khả thi cao cho việc khai thác không gian ngầm tại thủ đô.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi được nêu trong dự thảo là: việc sử dụng không gian ngầm phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đặc biệt là quy hoạch không gian ngầm – yếu tố trước nay chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật đô thị.

ngam.jpg
Ảnh minh họa

Cũng theo Dự thảo, việc xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ Luật Thủ đô và đồng thời đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan trong pháp luật về quy hoạch đô thị, đất đai, xây dựng và các luật chuyên ngành khác.

Ngoài ra, việc sử dụng không gian ngầm phải phù hợp với phân vùng chức năng theo quy hoạch, cũng như tuân thủ giới hạn về độ sâu, nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật và không ảnh hưởng đến các công trình ngầm hiện hữu.

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm đặc biệt là vấn đề quyền sở hữu và giới hạn khai thác không gian ngầm theo chiều thẳng đứng, Dự thảo đề xuất quy định: Người sử dụng đất được quyền khai thác không gian ngầm trong phạm vi ranh giới thửa đất của mình, tính từ mặt đất trở xuống, đến giới hạn độ sâu tối đa, nhưng không bao gồm phần móng và cọc kết cấu của công trình trên mặt đất, đồng thời phải đảm bảo không vi phạm phạm vi bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông và công cộng ngầm.

Về giới hạn độ sâu tối đa, dự thảo đưa ra hai phương án lựa chọn:

Phương án 1: Xác định độ sâu tối đa là mét (mức sâu trung bình) hoặc 30 mét (mức rất sâu), tùy theo khu vực và điều kiện cụ thể.

Phương án 2: Giao quyền cho UBND TP. Hà Nội ban hành giới hạn độ sâu cụ thể theo từng khu vực trên cơ sở quy hoạch và đánh giá thực tiễn.

Đối với phần không gian ngầm nằm ngoài ranh giới quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, dự thảo xác lập rõ rằng Nhà nước có toàn quyền quản lý và sử dụng, không bị giới hạn về độ sâu, và thực hiện các quyền theo quy định pháp luật đất đai. Trong trường hợp Nhà nước giao hoặc cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm, tổ chức, cá nhân nhận đất có nghĩa vụ và quyền lợi rõ ràng theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng Nghị định không chỉ nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý trong quản lý không gian ngầm, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công trình chiến lược như: hệ thống giao thông ngầm, bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại dưới lòng đất, hạ tầng kỹ thuật và phòng tránh thiên tai. Đây là hướng đi tất yếu trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng và định hướng phát triển Hà Nội trở thành một đô thị xanh, thông minh và bền vững.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, chuyên gia và cộng đồng để điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành chính thức trong thời gian tới.

Khi đi vào thực tiễn, Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hình thành một không gian đô thị đa tầng, khai thác hiệu quả cả trên mặt đất và dưới lòng đất, phục vụ tốt hơn nhu cầu sống, làm việc và di chuyển của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý khng gian ngầm: Bước đi chiến lược cho đ thị H Nội hiện đại