Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời cùng sự đầu tư nguồn lực, giáo dục tại khu vực này đã đạt được những bước tiến vượt bậc.
Từng bước khẳng định chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Là tỉnh thuộc trung tâm Tây Nguyên với nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), Đắk Lắk mang trong mình sự đa dạng về văn hóa. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để phát triển bền vững, hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa vùng trung tâm và vùng sâu, vùng xa, Đắk Lắk đã triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, lĩnh vực giáo dục dân tộc đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Năm học 2023-20, toàn tỉnh có 1.002 trường học với 484.185 học sinh, trong đó 168.285 học sinh thuộc DTTS, chiếm 34,76%. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và bán trú (PTDTBT) được xây dựng khá hoàn thiện với 17 trường cấp THCS và THPT, thu hút trên 2.300 học sinh người DTTS. Ngoài ra, 18 trường phổ thông có học sinh bán trú với gần 6.000 học sinh DTTS đang theo học.
Cơ sở vật chất tại các trường học ngày càng được cải thiện. Các dự án xây dựng và sửa chữa trường lớp, nhà công vụ giáo viên, mua sắm thiết bị dạy học được triển khai đúng tiến độ. Đến nay, 14 công trình trọng điểm giai đoạn 2023-2025 với tổng vốn đầu tư 141,95 tỷ đồng đã hoàn thành hoặc đang thi công, đảm bảo nhu cầu học tập cho con em đồng bào dân tộc.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tỉnh đặc biệt chú trọng. Các chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về quản trị nhà trường, kỹ năng lồng ghép văn hóa dân tộc vào giảng dạy, và giảm định kiến giới đã được tổ chức thường xuyên.
Thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Đam cho biết, trong những năm gần đây, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư tích cực từ chính quyền địa phương. Mỗi năm, trường đón thêm 210 học sinh mới, quy mô nhà trường hiện nay đạt gần 600 học sinh, trong đó 95% là học sinh người dân tộc thiểu số, có 10 dân tộc khác nhau, với số lượng đông nhất là người Êđê, chiếm 65%.
“Trong năm học vừa qua, nhà trường đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Giai đoạn 1 của dự án với kinh phí hơn 54 tỷ đồng đã hoàn thiện, tiếp nối là giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng bao gồm phòng học hiện đại, phòng chức năng, hội trường và các cơ sở hạ tầng khác, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học. Những nỗ lực này đã giúp Trường THPT DTNT Đam San đạt chuẩn quốc gia, khẳng định chất lượng giáo dục và vị thế quan trọng trong hệ thống giáo dục địa phương” thầy Ngọc cho biết thêm.
Năm 20, Sở GDĐT đã tổ chức tập huấn về dạy học Chương trình xoá mù chữ giai đoạn 2 theo Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 cho 225 cán bộ phụ trách công tác giáo dục thường xuyên và giáo viên dạy xoá mù chữ của phòng GDĐT, các xã phường trong toàn tỉnh và đơn vị đặc thù.
Nhờ các chương trình giáo dục phù hợp, chính sách hỗ trợ kịp thời và sự đầu tư đồng bộ, chất lượng giáo dục tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở Đắk Lắk đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, các vấn đề như tiếp cận công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Theo thống kê, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình lớp học đạt 97,64%; hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,13%; và tỷ lệ học sinh DTTS học đúng độ tuổi đạt 84,7%. Những con số này phản ánh nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục trong việc thu hẹp khoảng cách và nâng cao chất lượng học tập cho các em học sinh tại vùng sâu, vùng xa.
Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững
Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục vùng dân tộc và miền núi nhưng Đắk Lắk vẫn là vùng đất với sự đa dạng văn hóa và dân tộc, hiện đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc phát triển giáo dục cho cộng đồng DTTS. Vì vậy, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền giáo dục tỉnh nhà.
Theo NGƯT, TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, để thực hiện đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện vùng dân tộc và miền núi một cách hiệu quả, ngành GD&ĐT đã có những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế của Đắk Lắk, như: Tiếp tục làm tốt về chế độ, chính sách và công tác tham mưu ban hành chính sách về phát triển giáo dục vùng đồng bào thiểu số; Tăng cường cơ sở vật chất thiết bị dạy học, sắp xếp mạng lưới trường lớp; Thực hiện tốt các hoạt động giáo dục đặc thù;quan tâm phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; Tăng cường công tác truyền thông để có sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về phát triển giáo dục dân tộc; Phát triển đội ngũ nhà giáo người dân tộc thiểu số; Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của DTTS (Êđê, M’Nông…); quan tâm giáo dục văn hoá dân tộc trong nhà trường; Thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình.
Ngoài các giải pháp căn cơ, các chế độ chính sách đã thực hiện theo quy định của Đảng và Nhà nước. Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chính sách như: Đối với giáo viên, thực hiện chính sách đối với người dạy đúng, đủ và kịp thời theo quy định. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng về nghiệp vụ dạy học, đảm bảo cho việc dạy học tiếng dân tộc; được cấp phát SGK và tài liệu tham khảo về dạy tiếng dân tộc thiểu số; được nhà trường sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, được tham gia bồi dưỡng về nghiệp vụ do các cấp tổ chức.
Đối với học sinh, được cung cấp SGK tiếng Êđê để học tập; được phát miễn phí vở viết phục vụ việc học tiếng DTTS. Học sinh được thụ hưởng các chính sách của học sinh DTTS, miền núi theo các văn bản quy định của Chính phủ.
Việc dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư vào giáo dục vùng DTTS và miền núi không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người dân Đắk Lắk mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả khu vực Tây Nguyên. Với sự nỗ lực từ chính quyền, ngành giáo dục và sự chung tay của cộng đồng, hy vọng rằng những thế hệ trẻ em DTTS sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để vươn lên, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.