Theo chương trình dự kiến, từ ngày 20/11, đợt 2 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra. Trong tuần làm việc đầu tiên của đợt 2, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung, dự luật quan trọng về công tác tư pháp.
Vào sáng ngày thứ Hai (20/11), các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đáng chú ý, ngày thứ Ba (21/11), Quốc hội sẽ dành cả ngày để nghe các báo cáo liên quan công tác tư pháp.
Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023;
Lần lượt sau đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023;
Sau khi các cơ quan tư pháp trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong là người cuối cùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Tiếp đó, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Dự kiến, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong ngày thứ Tư (22/11), Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Đáng chú ý, chiều ngày thứ Tư (21/11), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trước đó, trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), chiều 9/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 05 nội dung lớn.
Trong đó, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (các Điều 3, , 26, 28, 30), Chánh án cho biết, Dự thảo Luật bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của Luật” và “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, Chánh án cho biết, dự thảo Luật quy định: Tổ chức lại bộ máy giúp việc của TAND cấp cao (Điều 51); Đặc biệt, đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; Thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt (các Điều 62, 63).
Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp quy định tại các Điều 91, 114, 11 về Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký.
Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (quy định tại các Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44), theo Chánh án, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Điều 38, 39).
Về chế định nhân dân tham gia xét xử, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định: Tiêu chuẩn về độ tuổi đối với Hội thẩm; Tiêu chuẩn của Hội thẩm TAND sơ thẩm chuyên biệt; Quy trình lựa chọn, giới thiệu, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; Quản lý Hội thẩm; Phân công ngẫu nhiên Hội thẩm giải quyết vụ án; Chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm;…. Quy định tại các Điều 122, 123, 1, 127, 130, 133, 134.
Cuối phiên thảo luận, Chánh án TANDTC sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.