Quốc hội thng qua Luật Thanh tra v Luật Dầu khí sửa đổi

Ngọc Mai| 14/11/2022 11:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết thng qua Luật Thanh tra (sửa đổi) v Luật Dầu khí (sửa đổi) với sự nhất trí cao.

quoc-hoi-thong-qua-luat-thanh-tra-va-dau-khi-sua-doi.jpg
Các đại biểu tiến hành biểu quyết tại hội trường

459 ĐBQH tán thành thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Luật gồm 8 chương với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là Dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận từ Kỳ họp thứ 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, xác đáng, kỹ lưỡng; tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. 

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 459 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 92,17%. Như vậy Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

quoc-hoi-thong-qua-luat-thanh-tra-va-dau-khi-sua-doi-h2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo đó, về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ (Điều 18); thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục ở địa phương, đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì có thể làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế, tại các cơ quan này đã thành lập các đơn vị có nhiệm vụ tham mưu và làm công tác thanh tra, với đội ngũ công chức vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra, vừa đồng thời đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác. Qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Do đó, trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này. Việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định “Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ” để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể.

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tổ chức Thanh tra Bảo hiểm xã hội, bao gồm Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ theo quy định của Luật Thanh tra và luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ như trong dự thảo Luật, không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra của Bảo hiểm xã hội trong Luật Thanh tra.

Về Thanh tra sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Thanh tra sở như tại Điều 26 của dự thảo Luật. Theo đó, giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn.

Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra và giao quyền quyết định kỷ luật cho cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định trong dự thảo Luật về ban hành kết luận thanh tra để quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra; xác định rõ trong thời hạn ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra. Đồng thời, bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định.

Đối với kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước và yêu cầu cải cách tiền lương trong thời gian tới; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích trong dự thảo Luật hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Căn cứ thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “các cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 327/2016/TT-BTC quy định cụ thể phạm vi các khoản được trích, mức trích, việc quản lý, sử dụng và thủ tục dự toán, quyết toán. Thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy quy định này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, khoản 3 Điều 112 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ theo yêu cầu của pháp luật về ngân sách nhà nước và phù hợp với chủ trương thực hiện cải cách tiền lương.

94,78% ĐBQH tán thành thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tiếp đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Trên cơ sở 13 ý kiến phát biểu của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

quoc-hoi-thong-qua-luat-thanh-tra-va-dau-khi-sua-doi-h3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Giải trình một số vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Ủy bản Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉ đạo các cơ quan tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan, trong đó chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về dầu khí; nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo đã bổ sung tại khoản 3 Điều 6 nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về “ứng phó sự cố tràn dầu”. Đối với vấn đề “an ninh quốc gia” đã được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6, nội dung cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về bảo đảm quốc phòng, an ninh; vấn đề “an ninh năng lượng” đã được quy định tại khoản 1 Điều 5, nội dung cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về quy hoạch năng lượng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo đã bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Về hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 31 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 02 khoản riêng (khoản 6 và khoản 7) về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 02 trường hợp: (1) bất khả kháng và (2) vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ.

Về chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Dự thảo đã chỉnh sửa về mặt kỹ thuật tại khoản 1 Điều 67 bảo đảm đúng kỹ thuật văn bản, không ảnh hưởng đến nội dung khác của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện hợp nhất. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí, xin được giữ quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như đã trình, không quy định trực tiếp chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vì gắn với đối tượng ưu đãi cụ thể quy định tại Điều 53 dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Về nghĩa vụ của nhà thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Khoản 12 Điều 59 quy định nghĩa vụ của nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí trước tiên phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, đồng thời, phù hợp với hợp đồng dầu khí vì hợp đồng dầu khí chỉ quy định những nguyên tắc chung về nội dung này và mỗi nhà đầu tư có quy chế riêng lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Về quản lý nhà nước về dầu khí, Dự thảo Luật chỉ quy định về trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 66) gắn với quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động dầu khí (Điều 63) có nội dung khác với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.

Dự thảo Luật không quy định điều kiện về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với nội dung này.

Ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát quy định tại Điều 69 về điều khoản chuyển tiếp và tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

dai-bieu-quoc-hoi-thong-qu-luat-dau-khi-sua-doi.jpg
Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sau phần trình bày báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh,

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, cầu thị. Theo đó, Dự thảo Luật gồm 11 Chương 69 Điều.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 472 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 94,78%. Như vậy Luật Dầu khí (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thng qua Luật Thanh tra v Luật Dầu khí sửa đổi