Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, dự thảo Luật Dược mới c nhiều thay đổi nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cng tác quản lý nh nước về dược, bảo đảm quyền v lợi ích hợp pháp của nhân dân trong việc đáp ứng thuốc c chất lượng, hợp lý v an ton.
Tuy nhiên, những vấn đề về giá thuốc bị đội lên do quá nhiều tầng lớp trung gian, hay việc tiêu cực trong kê đơn thuốc... cũng là một thách thức cần nghiên cứu, bổ sung để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Bên lề phiên thảo luận tại Hội trường về dự án luật Dược diễn ra sáng nay (25/3), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã có một số chia sẻ với báo chí nhằm đánh giá và phân tích sâu hơn những điểm mới của dự án luật này.
PV: Thưa bà, Dự thảo Luật Dược mới có quy định về đấu thầu tập trung, thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai những quy định này ra sao?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Thực ra chúng ta vẫn phải áp dụng các quy định của luật đấu thầu, còn việc đấu thầu tập trung hay không thì trong Dự thảo Luật Dược cũng đã quy định, tức là để quản lý giá thuốc đặc biệt là trong môi trường bệnh viện sẽ phải tiến hành đấu thầu.
Còn theo ý kiến của riêng tôi, không nên chỉ khu trú, giới hạn vào hình thức đấu thầu kể cả riêng rẽ hay tập trung mà phải mở rộng ra những hình thức khác.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.
Thực tế cho thấy, đối với một bệnh viện tư nhân, một cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khi mua thuốc, thì những cơ sở này luôn tìm được thuốc đúng với giá trị của nó, trong khi đối với những đơn vị dùng tiền ngân sách hay dùng nguồn thu bệnh viện thì lại vướng các cơ chế và quy định hiện hành, như vậy trong một số trường hợp hình thức đấu thầu thuốc vẫn chưa đáp ứng được, tức là có sự chênh lệch với giá trị thực.
Với thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi không nên tập trung vào hình thức đấu thầu mà cần mở rộng thêm các hình thức khác, đơn cử như đàm phán giá.
Cách tốt nhất là Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế với mức độ, tầm ảnh hưởng quốc gia của mình có thể thương lượng với các công ty dược, đặc biệt những công ty đa quốc gia để có những khung giá, sau đó với khung giá này sẽ được áp cho toàn quốc và các bệnh viện sẽ dựa trên khung giá này để thể thương lượng mua thuốc, miễn là không vượt quá khung giá đó.
Trong trường hợp vượt quá khung giá thì đơn vị đó sẽ phải bỏ tiền ra để bù đắp cho bệnh nhân, còn nếu thấp hơn thì đó là nguồn để lo các công việc của bệnh viện, cho nên chúng ta phải thấy đối với quản lý giá thuốc thì đấu thầu không phải là hình thức duy nhất.
PV: Vậy theo bà làm cách nào để giảm bớt các khâu trung gian và giảm tiêu cực trong kê đơn thuốc?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Trên thị trường hiện có trên 20.000 mặt hàng, nhưng có những mặt hàng quản được giá, ngược lại có mặt hàng giá cao hơn nhiều lần. Điều này phải thấy được nguồn gốc của nó chứ không phải loay hoay đi tìm là giải pháp phần ngọn là có thực hiện đấu thầu hay không?.
Về nguồn gốc, cần phân tích xem một số mặt hàng có sự cấu kết độc quyền để nâng giá. Tiếp đến là do tầng lớp trung gian quá nhiều, nhiều mặt hàng có thể qua gần chục công ty rồi mới đến được người bệnh nên chắc chắn bị đội giá.
Không những thế, vẫn còn có tiêu cực trong kê đơn, một bộ phận các bác sỹ ăn hoa hồng, chiết khấu để tiêu thụ nhiều hơn một mặt hàng thuốc.
Do vậy để giải quyết vấn đề này, thì một mình đấu thầu không thể là giải pháp, ngoài ra còn có các giải pháp khác như kê khai giá...
Nhưng chúng ta cũng đặt câu hỏi liệu kê khai giá có hoàn toàn hết hay chưa? Có giải quyết được tình trạng kê khống không? Còn về cấu kết độc quyền nâng giá thì số lượng mặt hàng như thế nào để tập trung vào những mặt hàng đó và có giải pháp xử lý.
Nhà nước cũng đã giao cho Bộ Tài chính về kiểm soát giá CIF (giá nhập khẩu thực tế). Tuy nhiên, tôi nghĩ Bộ Tài chính cùng với các bộ ngành khác như Bộ Y tế cũng cần có nghiên cứu để đưa ra được một quy chuẩn để có thể tính giá một cách hợp lý.
Còn đối với tầng lớp trung gian, bây giờ rất cần một quy định rõ trong luật, tôi đơn cử hiện luật đã quy định doanh nghiệp nước ngoài không được phân phối trực tiếp tại Việt Nam nhưng tại sao chúng ta không quy định một thuốc từ khâu sản xuất trong nước ban đầu hay nhập khẩu khi đến tận tay người bệnh thì không được vượt quá bao nhiêu tầng lớp trung gian? Còn chuyện khác thì để thị trường tự điều tiết.
Luật cũng quy định thặng dư tối đa đối với những mặt hàng bán trong bệnh viện nhưng mới chỉ dừng lại đối với những nhà thuốc bán trong bệnh viện, trong khi cần phải mở rộng ra những nhà thuốc chuỗi, những nhà thuốc lớn, hoặc nhà thuốc xung quanh bệnh viện.
Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, ngành y tế đã thương lượng với công ty để không những ổn định mức giá bán buôn mà còn cả giá bán lẻ, tức là nhà thuốc cũng đảm bảo bán với giá ổn định trong một thời gian nào đó với công ty về mặt hàng bán ra, từ đó tạo ra sự điều tiết cho thị trường, tránh tình trạng khi đứt hàng, có biến động thì giá tăng lên...
Còn vấn đề tiêu cực trong kê đơn, đây là y đức của thầy thuốc, vẫn có tình trạng bác sỹ bắt tay với hãng dược để ăn hoa hồng kê đơn thuốc, vẫn có tình trạng bác sỹ mở phòng mạch tại nhà và bán thuốc bóc xé hết bao bì để bán thuốc giá cao, đây là tiêu cực và cần tập trung xử lý.
Theo tôi, cần tăng cường giáo dục về y đức, quản lý chuyên môn, ví dụ các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo ngành cũng đặt ra hoạt động là xây dựng phác đồ điều chỉnh chuẩn, các bệnh viện phải đóng góp phác đồ chuẩn cho mỗi bệnh để tránh tình trạng lạm dụng thuốc mỗi đơn thuốc.
Rồi những đơn thuốc đắt tiền, đơn thuốc có ảnh hưởng nhiều thì vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị phải hội chẩn, phải đưa ra kết luận và chịu trách nhiệm rất nhiều, tất cả những điều này sẽ góp phần hợp lý hóa dần, chuẩn hóa dần và kiểm soát việc kê đơn.
Nhưng ở đây cũng phải suy nghĩ để làm sao cho hài hòa, vì không phải bác sỹ nào cũng tiêu cực, mà đôi khi với kinh nghiệm điều trị của mình, họ sẽ phải chịu trách nhiệm làm sao để chọn lựa cho bệnh nhân thuốc tốt nhất, do vậy đây cũng là vấn đề khó để hài hòa, chứ còn quá sức, cực đoan ngả về phía nào thì cũng không hay.
PV: Trong kỳ họp lần này Quốc hội sẽ bấm nút thông qua luật, tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau và ở góc độ chuyên môn của ngành y tế thì bà còn băn khoăn nhất điều gì?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Phải nói là khi đã đưa Dự thảo Luật Dược đến bước này rồi thì sẽ bấm nút thông qua, cá nhân tôi cũng đánh giá công bằng là bản dự thảo lần này đã có sự thay đổi, chỉnh sửa và tiếp thu từ 50-60% so với dự thảo lần đầu.
Tuy nhiên để có hoàn thiện 100% thì vẫn còn là điều mơ ước. Nhiều đại biểu Quốc hội, cũng như người trong ngành y tế và cử tri vẫn tiếp tục làm nghĩa vụ của mình là đóng góp ý kiến nếu có điểm nào thấy chưa thỏa đáng.
Riêng quan điểm cá nhân, thì hiện tôi cũng khá yên tâm để bấm nút thông qua Luật Dược lần này, còn những vấn đề đang đề nghị, có ý kiến thì tôi nghĩ sẽ có sự tiếp thu và điều chỉnh của Ban soạn thảo.
Tôi lấy ví dụ, điều tôi băn khoăn nhất là vấn đề cải cách hành chính cũng đã được tiếp thu nhiều trong kinh doanh dược, nhưng cải cách hành chính trong cấp số đăng ký thuốc thì vẫn còn nhiều băn khoăn khi nâng thời gian cho phép chờ đợi để cấp phép thuốc mới từ 6 tháng lên 1 năm, khi thời gian càng dài, cơ chế xin cho và khả năng xảy ra tiêu cực càng lớn.
Các cử tri thành phố Hồ Chí Minh cũng đóng góp ý kiến đó là luật thì xa vời, cái quan trọng là Nghị định và Thông tư hướng dẫn sau này.
Giá mà Luật Dược lần này được xây dựng đồng thời với việc đưa Nghị định ra cho các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến thì hay hơn nhiều và thật sự Nghị định và Thông tư đó có truyền tải được những gì mà luật muốn hay không lại là vấn đề khác.
Xin cảm ơn bà!