Luật Tổ chức TAND năm 20 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thành phần, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Điều 39 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, quy định:
1. Xem xét tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm Thẩm phán theo quy định của Luật này để đề nghị Chánh án TANDTC:
a) Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TAND, bổ nhiệm lại Thẩm phán TAND.
2. Xem xét việc miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán theo quy định của Luật này để đề nghị Chánh án TANDTC:
a) Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC;
b) Trình Chủ tịch nước quyết định miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND.
3. Ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
4. Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của Thẩm phán.
5. Xem xét kiến nghị liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán theo quy định tại khoản 1 Điều 110 của Luật này.
6. Bảo vệ Thẩm phán theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; đề nghị Chánh án TANDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ bảo vệ Thẩm phán.
7. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện chính sách đối với Thẩm phán khi bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng vì lý do công vụ.
8. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của Tòa án.
9. Giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND.
10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 40. Thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia:
1. Thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia gồm có Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng, được quy định cụ thể như sau:
a) Chánh án TANDTC là Chủ tịch Hội đồng;
b) 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chánh án TANDTC là Thẩm phán TANDTC được Chánh án TANDTC phân công luân phiên theo nhiệm kỳ 01 năm 01 lần;
c) Chánh án Tòa án quân sự Trung ương;
d) Chánh án TAND cấp cao;
đ) 01 đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
2. Danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC.
3. Giúp việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia là các đơn vị chức năng của TANDTC do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
Điều 41. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia :
1. Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia hoạt động theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia họp định kỳ và đột xuất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 39 của Luật này. Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đề nghị Chánh án TANDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia sử dụng con dấu của TANDTC.
Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia:
1. Điều hành, tổ chức thực hiện công việc của Hội đồng.
2. Thay mặt Hội đồng ban hành chương trình, kế hoạch và các văn bản khác đã được Hội đồng thông qua.
3. Chỉ đạo giải quyết công việc giữa các phiên họp của Hội đồng.
4. Quyết định về nội dung, thành phần mời tham dự, thời gian tiến hành phiên họp của Hội đồng; triệu tậpthành viên Hội đồng và chủ trì phiên họp của Hội đồng.
5. Thay mặt Hội đồng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của Hội đồng.
Điều 43. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia:
1. Giúp Chủ tịch Hội đồng điều hành công việc của Hội đồng.
2. Theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch, chương trình công tác của Hội đồng.
3. Giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy địnhtại cáckhoản 4, 5, 7, 8 và 9 Điều 39 của Luật này.
4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này.
5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng.
Điều 44. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia:
1. Ủy viên Hội đồng là đại diện của cơ quan, tổ chức nơi công tác trong quá trình tham gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động khác của Hội đồng.
2. Ủy viên Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng;
b) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng phân công; chịu trách nhiệm trước Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
c) Thảo luận và biểu quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quy định tại Điều 39 của Luật này;
d) Thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và quy định của pháp luật.
Điều 45. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia:
Kinh phí hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia do ngân sách nhà nước bảo đảm; được bố trí trong kinh phí hoạt động của TANDTC.