Trong khi nhiều đô thị ven biển tận dụng tối đa “đất vàng” mặt tiền biển để phát triển khách sạn, resort, TP. Quy Nhơn (Bình Định) lại chọn hướng đi khác: Giữ lại cho người dân và du khách những công viên, bãi cỏ, quảng trường xanh mát, nối dài từ bãi biển vào tận trung tâm thành phố.
“Đổi đất vàng lấy không gian xanh”
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách sau khi ghé thăm Quy Nhơn đều ấn tượng với những công viên, bãi cỏ và không gian công cộng rộng lớn ngay sát biển.
Từ công viên biển Xuân Diệu, công viên dọc đường Nguyễn Tất Thành cho đến Quảng trường Nguyễn Tất Thành – tất cả đều được xây dựng trên những khu đất từng được xem là “vị trí vàng” đắt giá nhất thành phố.
Nhiều lần phát biểu trước cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: biển là tài sản cộng đồng và người dân phải được tiếp cận dễ dàng. Quan điểm ấy đã trở thành định hướng xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ của lãnh đạo tỉnh.
Quy Nhơn giữ vững cam kết đó bằng hành động cụ thể: dành đất mặt biển để làm quảng trường, công viên cây xanh, vườn hoa phục vụ cộng đồng. Những cái tên như Quảng trường Chiến Thắng, Quảng trường Nguyễn Tất Thành hay công viên biển Xuân Diệu không chỉ là công trình cảnh quan, mà còn là không gian sinh hoạt, giải trí, nghỉ ngơi của người dân địa phương và du khách.
Hiện nay, chính quyền tỉnh Bình Định đang xúc tiến kế hoạch di dời 3 khách sạn ven biển – Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương – để lấy lại quỹ đất phát triển công viên và các công trình công cộng.
Theo quy hoạch, dọc bờ biển từ Resort Hoàng Gia đến Quảng trường Nguyễn Tất Thành sẽ trở thành một dải công viên liên hoàn, với vườn hoa, lối đi bộ, sân sinh hoạt cộng đồng, không gian nghệ thuật ngầm và thậm chí là khu đường sách. Riêng dự án công viên biển Xuân Diệu đã có quy mô lên tới 11,1ha, là điểm đến văn hóa, giải trí mới của thành phố.
Một thành phố đáng sống bên bờ biển
Ông Võ Hoàng (68 tuổi) không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ với phóng viên: “Công viên ven biển là món quà lớn của thành phố cho người dân. Chúng tôi được tắm biển, đi dạo, tập thể dục mỗi ngày. Ngày lễ, tết người ta kéo về đây rất đông, không khí rất vui”.
Cách công viên biển Xuân Diệu không xa là khu bãi cỏ rộng 3,6ha nằm giữa hai trục đường Nguyễn Tất Thành và Lê Duẩn. Bãi cỏ này được thiết kế hiện đại với các khu vực lát đá, cây xanh, thảm cỏ kiểu ô cờ và cả hai nhà vệ sinh ngầm. Đây là nơi lý tưởng để người dân thả diều, hóng mát, đi bộ buổi tối.
Đối diện bãi cỏ là công viên cây xanh với khu vui chơi trẻ em và những lối đi bộ rợp bóng mát. Ngay sát đó là Quảng trường Nguyễn Tất Thành rộng 6,5ha, nơi đặt tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành và thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn như Festival võ cổ truyền Bình Định, bắn pháo hoa đón năm mới, các hoạt động thể thao, văn hóa.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, để có được không gian xanh như hiện tại, thành phố đã phải giải tỏa hơn 2.500 hộ dân và nhiều công trình cũ, kể cả khách sạn, để chỉnh trang đô thị. Đó là quyết định không dễ dàng, nhưng cần thiết cho một tầm nhìn dài hạn.
Không gian ven biển, ven sông hay ven hồ – vốn là tài nguyên vô giá – đang ngày càng được ưu tiên giữ lại cho cộng đồng. Cách làm này giúp TP. Quy Nhơn giữ được bản sắc đô thị đặc trưng, thu hút du khách và nâng chất lượng sống cho người dân.
Bà Nguyễn Hồng Hoa (ngụ phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn) nói: “Bạn bè tôi ở TP. HCM hay Hà Nội đều thích Quy Nhơn vì khí hậu mát, cảnh quan sạch, có nhiều công viên xanh mát trong nội đô. Tôi rất mong thành phố tiếp tục mở rộng thêm những không gian xanh như vậy, vì sức khỏe của người dân và để giữ hình ảnh Quy Nhơn thân thiện trong lòng du khách”.