Ngày 27/2, Đình Vĩnh Mỹ (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) bắt đầu diễn ra chuỗi hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ lễ Kỳ Yên được diễn ra hàng năm.
Lễ hội Kỳ Yên là một trong những nét văn hóa lâu đời của người dân Nam Bộ được lưu giữ đến nay. Đây là một trong những lễ hội lớn trong năm của các đình thần. Theo quan niệm của người dân, Thành hoàng là một vị thần cai quản vùng đất của người dân, phù hộ cho người dân của vùng đó trong việc làm ăn, sức khỏe, gia đình. Mỗi năm, các Đình làng Nam Bộ sẽ có 2 lệ cúng là: lễ Thượng điền (lúc thu hoạch xong), lễ Hạ điền (bắt đầu xuống ruộng).
Tùy vào mỗi đình làng mà lễ hội Kỳ Yên sẽ được gộp chung với Hạ Điền hoặc Thượng Điền. Tại một số địa phương có thể tổ chức Kỳ Yên thành một lễ hội riêng biệt mang nhiều hoạt động ý nghĩa khác nhau.
Đình thần Vĩnh Mỹ ( xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những ngôi đình tổ chức đại lễ Kỳ Yên trang trọng. Ngôi đình có bề dày lịch sử hơn 100 năm, được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013.
Khu Di tích có diện tích là 1.0,77 m2 , xung quanh đình là các loại như cây như gáo, sao… Đây là ngôi đình của người Việt ở Vĩnh Mỹ lập nên để thờ “Thành Hoàng Bổn Cảnh” theo tín ngưỡng dân gian của cư dân người Việt nơi đây.
Ngoài ra, Đình còn có giá trị về mặt kiến trúc, mang nét đặc trưng của kiến trúc đình Nam Bộ, là nơi để Nhân dân trong và ngoài địa phương đến cúng nhằm đáp ứng các nhu cầu về văn hóa tâm linh, còn là thiết chế văn hóa làng, xã được thể hiện thông qua các lễ hội được tổ chức hàng năm, là nơi tham quan hấp dẫn của du khách.
Đại lễ Kỳ yên được diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20 tháng giêng và 14- tháng 7 âm lịch. Ở mỗi thời điểm sẽ có những hoạt động cúng bái khác nhau như : lễ Kỳ Yên, Vu Lan, Hạ Ngươn.
Hiện nay Bạc Liêu có hơn 60 ngôi đình, miếu. Lễ Kỳ Yên là lễ lớn nhất trong năm và được tổ chức vào đầu năm mới. Ngoài các nghi thức trang nghiêm theo truyền thống, lễ hội có ý nghĩa tâm linh đối với đời sống của người dân trên địa bàn.
Ngoài việc ôn lại truyền thống văn hóa tâm linh, cầu mong trời đất bình an, nhân dân có cuộc sống ấm no, khơi lại tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử con Rồng cháu Lạc của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay