Ngay sau nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ Giao thng Vận tải Đinh La Thăng đã đăng đn trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tập trung trả lời về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông…
Đảm bảo giá cước vận tải hợp lý
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về giải pháp đảm bảo giá cước vận tải hợp lý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết: hiện nay Bộ đang thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ là tái cơ cấu ngành Giao thông Vận tải; trong đó có 3 trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu vận tải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Đặc biệt, để thực hiện tái cơ cấu vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện tái cơ cấu từng lĩnh vực gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm chi phí, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện để điều chỉnh giá cước cũng như phát huy những lợi thế ở Việt Nam hiện nay như: có đường biển dài hơn 3000km; đường thủy tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng…
Để thực hiện tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng khẳng định yếu tố quan trọng là phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, đào tạo lại con người trong từng lĩnh vực, qua đó cũng góp phần cho việc giảm cước vận tải. Bộ trưởng cho biết qua việc thực hiện tái cơ cấu các phương thức vận tải, hiện nay tỷ trọng vận tải đường bộ bắt đầu giảm; đường hàng hải và đường thủy nội địa tăng lên; đường sắt đang trong quá trình sắp xếp tái cơ cấu lại cũng tăng được thị phần và cước vận tải đường sắt bắt đầu giảm. Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, năm nay giá xăng dầu tăng nhiều lần nhưng Tổng công ty đường sắt không tăng giá cước và còn giảm giá vé trong dịp Tết từ 11 – 17% so với năm 2013.
Thực hiện tái cơ cấu đối với hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung đẩy mạnh xã hội hóa tất cả những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được và đẩy mạnh cổ phần hóa. Đặc biệt, vừa rồi ngành Giao thông Vận tải đã thực hiện thành công việc cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm, mặc dù thời gian qua giá xăng dầu tăng nhưng Tổng công ty Hàng không không tăng giá. Như vậy, so với giá cước hiện nay đối với các nước trong khu vực thì thấp hơn.
Quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải phải thực hiện đột phá kết cấu hạ tầng giao thông với một số công trình hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó giao thông vận tải phải đi trước một bước. Hiện chúng ta thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, vì vậy nguồn lực dành cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng ngày càng hạn chế.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách để huy động được các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, tư nhân cũng như nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Do vậy, gần 3 năm qua việc huy động vốn ở ngoài xã hội cho kết cấu hạ tầng giao thông đạt 160.000 tỷ, bằng 60% tổng vốn đầu tư của các nguồn như ODA, ngân sách, trái phiếu Chính phủ... Bộ trưởng khẳng định đây là nỗ lực rất lớn của ngành Giao thông Vận tải cũng như sự vào cuộc thật sự từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hiện nay, để tiếp tục tạo ra sự đột phá, Bộ đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng sau khi được đầu tư giao cho các nhà đầu tư khác khai thác, quản lý thu phí. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng một đề án tổng thể để báo cáo Chính phủ trên cơ sở những quy định hiện hành của pháp luật để huy động các nguồn lực.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) về thực trạng giao thông nông thôn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ mặt giao thông nông thôn đã có những thay đổi tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng khẳng định có được kết quả này là do sự ủng hộ của nhân dân đã chủ động hiến đất làm đường, phá bỏ tường rào để làm đường. Bộ trưởng đã dẫn ra nhiều dẫn chứng sinh động như ở Thái Bình có người dân đã hiến tặng 300 triệu đồng để làm đường xã.
Đánh giá bộ mặt giao thông nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành đúng mục tiêu đã đặt ra, Bộ trưởng cho biết cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, sự cố gắng, chỉ đạo quyết liệt của địa phương.
Trả lời băn khoăn của đại biểu về tiến độ xây dựng cầu treo, góp phần tạo điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân, Bộ trưởng cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động đề xuất, Chính phủ chỉ đạo đạo xây dựng Đề án phát triển xây dựng cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước. Hiện, Bộ đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Bộ trưởng cho biết trong cả nước hiện có khoảng 7.811 cây cầu cần được xây dựng. Bộ đã khảo sát, rà soát để xây dựng lộ trình cụ thể để tiến hành đầu tư. Hiện Chính phủ đã đồng ý đầu tư 186 cầu bằng cách ứng vốn ngân sách của 20; mục tiêu phấn đấu 30/6/20 sẽ hoàn thành.
Bộ trưởng cho biết để làm được 7.811 cây cầu cần gần 2.000 tỷ và sẽ huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có sự tham gia của các địa phương và những nhà tài trợ.
Chia sẻ nỗi băn khoăn của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về việc gần 40 năm giải phóng đất nước nhưng vẫn còn một số nơi chưa có đường ô tô đến thị trấn của huyện, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thẳng thắn thừa nhận đây là một thực tế. Hiện nay còn 11 huyện đảo chưa có đường ô tô, còn 8 huyện trên đất liền có đường ô tô đến trung tâm nhưng còn phải đi qua phà, Bộ đã trao đổi với các địa phương, trong đó 5 huyện sẽ được đầu tư trong thời gian tới; 3 huyện còn lại tiếp tục phối hợp với địa phương nghiên cứu để thực hiện đầu tư xây dựng. Bộ trưởng khẳng định Bộ Giao thông Vận tải sẽ có trách nhiệm cùng với các tỉnh, huyện tìm những nguồn vốn để đầu tư.
Đối với đường ô tô về xã, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Hiện nay, các địa phương đang rất quan tâm đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới như: Tuyên Quang mỗi năm thực hiện được 700km bằng sự đóng góp của người dân, sự hỗ trợ của tỉnh và các nguồn vốn khác. Phú Yên từ đầu năm đến nay đã làm được 500km đường giao thông nông thôn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải và sự ủng hộ từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, Bộ trưởng tin tưởng sự nghiệp phát triển giao thông nông thôn sẽ về đích sớm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Quyết liệt phòng, chống tham nhũng trong ngành
Đối với công tác phòng chống tham nhũng trong ngành Giao thông Vận tải và những giải pháp đột phá, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Đây là một vấn đề rất lớn không chỉ đối với ngành Giao thông Vận tải mà còn của tất cả các ngành khác. Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt kết luận của Tổng Bí thư về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua. Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan trọng.
Bộ trưởng cho biết, cùng với chương trình tổng thể về triển khai phòng, chống tham nhũng của Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng trong ngành. Cụ thể, Bộ đã xác định trách nhiệm đối với người đứng đầu từ phê duyệt chủ trương, đến việc đầu tư; trong đó trách nhiệm bao gồm cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp... Đồng thời, phải thực hiện các quy định của Bộ như công tác cán bộ, chủ trương đầu tư, phân bổ vốn đến quá trình thực hiện, công tác đấu thầu, chọn nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát... đều thực hiện công khai minh bạch, đúng quy định hiện hành của pháp luật. Cùng với đó, Bộ thực hiện việc xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm gồm cả trong ngành, những người trực tiếp vi phạm đều xử lý nghiêm minh. Đối với các chủ thể như ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu nếu sai phạm, Bộ kiên quyết xử lý và thay thế; kể cả những việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đề nghị các cơ quan của pháp luật xử lý theo quy định.
Theo Bộ trưởng, trong những giải pháp trên, thì công tác quản lý cán bộ là quan trọng nhất. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo với Chính phủ và nhận được sự đồng tình trong việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo như: Tổng cục trưởng, Cục trưởng... đều tổ chức công khai, minh bạch; vừa đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng lãnh đạo, vừa đảm bảo năng lực, phẩm chất đạo đức và có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt đến cùng.
Sáng mai 19/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.