TAND TP H Nội vừa ra quyết định ngy 21/12 tới sẽ mở phiên ta xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Cng ty cổ phần Tiến bộ - viết tắt l Cng ty AIC) v 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Cng ty AIC v các đơn vị c liên quan.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày, xét xử cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Được biết, Hội đồng xét xử gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân; do thẩm phán Mai Văn Quang làm chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên của VKSNDTC và 2 kiểm sát viên của VKSND thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.
Để chuẩn bị cho phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập 12 người, cơ quan, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có: UBND tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC, Công ty cổ phần bất động sản AIC...
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập khoảng 70 người, tổ chức tham gia tố tụng tại phiên tòa.
36 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 222, khoản 3 và Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354, khoản 4, điểm a, b - Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo còn lại bị xét xử về các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Có tổng số hơn 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa. Tám bị cáo bỏ trốn, bị truy nã như: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà... đều được Tòa án chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những bị cáo này tại phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động Công ty AIC, giữ các chức danh: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (từ 2005 - 9/2020).
Bị cáo Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gồm: Thiết lập quan hệ với người có chức vụ ở tỉnh Đồng Nai gồm Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư) để đặt vấn đề, đồng thời trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất cho những người này với tổng số tiền 43,8 tỷ đồng để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật.
Bị cáo Nhàn bị cho là đã chỉ đạo các Phó Tổng Giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga và Trần Mạnh Hà cùng nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu; gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu để Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Hành vi gian lận và thông thầu của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi đưa 43,8 tỷ đồng cho những người có chức vụ của bị cáo Nhàn để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật, phạm vào tội Đưa hối lộ.
VKSNDTC cho rằng, việc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quyết định truy nã quốc tế nhưng không có kết quả.
Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng đã phát thư kêu gọi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.