Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, đê biển ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến phức tạp, gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ghi nhận của phóng viên Báo Công lý tại tỉnh Bạc Liêu và TP Cần Thơ.
Hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu mùa mưa bão năm 2023 đến nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ sạt lở bờ sông, có chiều dài gần 1.000 m, làm 119 căn nhà bị sụp, nứt, thiệt hại trên 10 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất như: bờ sông Gành Hào (huyện Đông Hải); bờ kênh Bạc Liêu - Cà Mau; bờ kênh 30/4; kênh Quản lộ Giá Rai; kênh Cạnh Đền - Hộ Phòng; kênh Láng Trâm,...(thị xã Gái Rai); đoạn đường sông dẫn vào chùa Hưng Thiện (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi),...
Ghi nhận thực tế tại thị xã Giá Rai, tình trạng bờ sông sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Những điểm sạt lở bờ sông khá rộng, kéo dài; nguy hiểm hơn là sạt lở lấn sâu vào nhà của người dân và các công trình xây dựng trên địa bàn.
Dọc theo tuyến bờ kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (phía sau lưng nhà thờ Tắc Sậy) bị sạt lở đoạn chiều dài 0m, chiều sâu khoảng 2m, ảnh hưởng sạt lở gồm 104 hộ (trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 14 hộ dân; còn lại có 90 hộ có nhà bị rạn nứt, có nguy cơ sạt lở cao).
Theo dự báo, tuyến đường cũ ấp 2, xã Tân Phong (từ cầu Sư Son đến bến xe Hộ Phòng, khóm 1, phường Hộ Phòng) với chiều dài 4.700m có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 808 hộ dân đang sinh sống theo tuyến này (trong đó, có 3 đoạn, chiều dài khoảng 170m có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến 90 hộ dân).
Ông Nguyễn Hoàng Vũ (ngụ xã Tân Phong, thị xã Gái Rai), cho biết: Gia đình ông là một trong những hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở trong thời gian qua, nhà ông bị sụp hoàn toàn xuống sông. Do khó khăn về kinh tế không có điều kiện di dời chỗ ở, nên hiện nay gia đình ông đang ở tạm người thân và đang chờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Tại huyện Đông Hải, đặc biệt là khu vực gần cửa sông Gành Hào, đây là khu vực gần với cửa biển, nơi nước chảy xiết thường xảy ra hiện tượng sạt lở, ảnh hưởng đến nhà dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ sạt lở, trong đó có những vụ sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản như: Sạt lở tại Công ty TNHH Dương Lộc Tiến (ấp 4, thị trấn Gành Hào), thiệt hại hơn 5 tỷ đồng; vụ sạt lở trên phần đất của Công ty TNHH MTV thủy sản Trường Phúc (ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây), gây hiệt hại về tài sản trên 2 tỷ đồng,..
Còn tại huyện Vĩnh Lợi, đoạn đường giao thông dài khoảng 3km nằm cạnh bờ sông ấp Phú Tòng, xã Hưng Thành bị ảnh hưởng đò chạy chở khách liên tục làm cho lở đất, dẫn đến nguy cơ sạt lở đường. Theo ghi nhận, có ít nhất 10 điểm sạt lở khá nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa an toàn giao thông.
Ông Hà Văn Trí (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi), cho biết: “Hàng ngày, có hàng trăm lượt tàu, vỏ lãi chạy đưa đón khách, sóng đánh cùng với nước chảy xiết làm lòng sông ngày càng sạt lở nghiêm trọng, có những điểm sạt gần nửa con đường. Nhiều khi tui chạy xe trên lộ, đặc biệt những đoạn sạt sâu tui rất bất an”...
Vào tháng 2/2023, triều cường kết hợp gió mạnh gây ra sạt lở tại đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh tỉnh Sóc Trăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, với tổng chiều dài sạt lở 46m. Trong đó, có một đoạn đê dài 25m, có chiều rộng sạt lở 6m, sâu 1,5m và một đoạn đê dài 21m, có chiều rộng sạt lở từ 1 - 3m, sâu 1m. Rừng phòng hộ tại khu vực bờ biển trước đoạn đê bị sạt lở đã mất hoàn toàn, nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở. Do không còn rừng phòng hộ trước đê, ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn và tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê.
Sống trong lo sợ
Khoảng 2h ngày 18/7/2023 tại đoạn đường dọc bờ sông Bến Bạ (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ngay cạnh điểm thi công đóng cọc cầu Bến Bạ, nhánh 2, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang (thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Theo ghi nhận, đoạn sạt lở dài khoảng 100m, ngang 5m, nguy cơ sạt lở thêm mỗi đầu khoảng 5m.
Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng khu vực này vẫn chưa được khắc phục, người dân không có đường đi lại, trong khi nguy cơ sạt lở rồi mưa lớn kéo dài, ngập lụt tiếp tục đe dọa.
Chị Lê Thị Duyên (48 tuổi) cho biết, đang nửa đêm thì nghe tiếng động mạnh và rung lắc, cả nhà thức dậy ra xem thì khu vực trước nhà đã chìm xuống sông nước. Gia đình chị cảm thấy lo lắng vì mỗi ngày càng sạt lở lấn vào nhà.
Chị Lê Thị Hồng Mai (47 tuổi), một trong các hộ dân bị ảnh hưởng nặng kể lại: “Nửa đêm thì nghe tiếng răng rắc, cả nhà tui thức dậy xem thì quán cà phê (nhà tiền chế-PV) đổ sụp xuống sông, kéo theo cả đoạn đường phía trước các hộ lân cận. May là đêm đó tôi lên nhà mẹ ngủ, chứ ngủ dưới quán thì không biết sao nữa. Tôi bị khuyết tật bẩm sinh ở chân nên đi tới lui không được, chỉ ngồi một chỗ bán cà phê, bây giờ quán cà phê đã bị chìm nên nguồn thu nhập của tôi cũng không còn”.
Có mặt tại đoạn sạt lở thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), phóng viên ghi nhận có 10 căn nhà bị ảnh hưởng. Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 50m khiến nhiều ngôi nhà bị trôi xuống sông. Hiện 10 hộ dân bị ảnh hưởng đã di chuyển đến chỗ khác ở, di dời tài sản, đồ đạc và tháo dỡ nhà cửa để hạn chế thiệt hại.
Cô Nguyễn Thị Oanh (61 tuổi) cho hay, sạt lở xảy ra đã 5 tháng, nhưng hiện vẫn chưa được khắc phục, hỗ trợ. Hiện gia đình cô phải thuê nhà ngoài để ở, mỗi tháng phải trả chi phí tiền thuê nhà, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Còn gia đình bà Nguyễn Thị Chua thì sống bằng nghề đi bán vé số, cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng sống trong một căn nhà rách nát, chật hẹp từ lúc bị sạt lở, nhà bà bị cắt điện, mỗi buổi tối phải đốt đèn dầu, sinh hoạt rất khó khăn bất tiện.
Tại bờ sông Trà Nóc (khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), phóng viên ghi nhận đoạn sạt lở có chiều dài 100m, trong đó 60m đã bị sạt hoàn toàn, làm sụp tuyến đường giao thông nông thôn ven sông. Hiện các phương tiện không thể di chuyển qua khu vực này, đồng thời đang có dấu hiệu sạt lở tiếp tục lấn sâu vào bờ, đe dọa đến các ngôi nhà bên trong.
Anh Nguyễn Trung Hiếu nhà bị ảnh hưởng sạt lở cho hay, hiện tại, khu vực bờ kè sạt lở nếu không sớm được xây kè, nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người dân nơi đây.