Chính trị

Sẽ tăng mức phạt tiền trong một số lĩnh vực

Duy Tuấn 28/04/2025 - 12:14

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa với lĩnh vực: Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng…

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 điều và bổ sung mới 1 điều.

h2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Đáng chú ý, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến sửa đổi khoản 2 Điều 53 Luật Xử phạt vi phạm hành chính về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách. Theo đó, cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước thay vì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành.

Đặc biệt, dự thảo Luật dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực (phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng). Theo ông Ninh, quy định này nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Đáp ứng yêu cầu cấp bách về tăng cường quản lý nhà nước đã xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua.

h4.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Tăng mức phạt tiền không lập biên bản

Cũng theo ông Ninh, sửa đổi Điều 56 Luật XLVPHC (tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật) về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) 'để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người của hiện nay so với trước đây'.

Đáng chú ý, sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành nhằm làm rõ hơn việc xử lý vi phạm hành chính theo phương thức điện tử (như: điểm c khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật Sửa đổi quy định về lập biên bản vi phạm hành chính theo hướng quy định rõ hơn cách thức lập, ký đối với biên bản vi phạm hành chính được lập bằng phương thức điện tử; khoản Điều 1 dự thảo Luật Sửa đổi quy định về gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, bổ sung việc gửi bằng phương thức điện tử; khoản 16 Điều 1 dự thảo Luật Bổ sung các quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo hướng không quy định việc thu giữ, bảo quản giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong trường hợp tước trên môi trường điện tử).

h5.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật dự kiến nâng thời hiệu xử lý trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến lên 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm; giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ (như thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị tạm giữ và không có điều kiện bảo quản kỹ thuật phù hợp; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; không có địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện kỹ thuật đối với loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và không thể thuê kho, bãi, phương tiện bảo quản phù hợp).

h3.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 1 năm lên 3 năm. Bởi, vi phạm hành chính cần được xử lý kịp thời để nhanh chóng lập lại trật tự quản lý hành chính bị xâm phạm, đồng thời răn đe và giáo dục người vi phạm cũng như cộng đồng. Do đó, việc tăng thời hiệu có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phát hiện, xử lý. Ngoài ra, hiện nay, trường hợp xảy ra vi phạm hành chính, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt do biển số xe đã được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đề nghị, giữ nguyên thời hiệu xử phạt vi phạm hiện hành với vi phạm trong tố tụng và trật tự, an toàn giao thông đường bộ như hiện hành, thay vì tăng thời hiệu từ 6 tháng lên 3 năm với vi phạm trong tố tụng, từ 1 năm lên 3 năm với vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

h6.jpeg
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga.

Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng đề nghị, cân nhắc sửa đổi về quy định cho phép bán tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính để bảo đảm quyền sở hữu tài sản của công dân.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự cấp bách, thật sự cần thiết phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và bám sát yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Các nội dung khác đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi toàn diện tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay.

h1.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Về thời hiệu xử phạt, Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt đối với các vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về về đề xuất sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong lần sau, tức là khi sửa toàn diện.

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa vi phạm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Đề nghị thuyết minh lý do bổ sung cơ sở xác định mức phạt tối đa trong các lĩnh vực mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tăng mức phạt tiền trong một số lĩnh vực