Ngày 28/2, trong khuôn khổ chương trình Lễ hội đền Cờn và khai trương du lịch Hoàng Mai năm 20, tại sân đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã tổ chức một số môn thể thao truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa thu hút đông người dân và du khách tham gia.
Đền Cờn, hay còn được biết đến với tên gọi đền Mẫu Cờn Nghệ An, là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất xứ nghệ, nằm trên gò Diệc và gần với cửa biển Lạch Cờn, nay là làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Đây là một ngôi đền lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quan trọng của địa phương. Năm 1993, đền Cờn được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2017, Lễ hội đền Cờn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Lễ hội đền Cờn 20 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 28/2 - 1/3 (19-21 tháng Giêng) với nhiều hoạt động sôi nổi. Có 3 môn thể thao tham gia thi đấu gồm: Đua thuyền, bóng chuyền, cờ thẻ.
Trong buổi sáng đầu tiên của lễ hội đã diễn ra các trận khai mạc môn bóng chuyền nam với sự tham gia của 8 đơn vị trong và ngoài thị xã. Đây đều là các đơn vị có phong trào bóng chuyền mạnh và nhiều năm tham gia thi đấu tại Lễ hội đền Cờn.
Môn cờ thẻ là môn thể thao dân gian có tính trí tuệ, thu hút sự tham gia của nhiều kỳ thủ giỏi. Có 9 xã phường tham gia thi đấu, một đội gồm 2 vận động viên, thời gian thi đấu mỗi trận là 10 phút.
Dịp này, thị xã Hoàng Mai cũng trưng bày 12 gian hàng các sản phẩm OCOP của địa phương. Theo Ban Tổ chức lễ hội đền Cờn năm 20, đây là năm đầu tiên lễ hội tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương trên địa bàn thị xã. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng trên nhãn sản phẩm, bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc. Ban Tổ chức cũng thiết kế các gian hàng với những chất liệu gần gũi vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo điểm nhấn trong không gian lễ hội.
Tham gia quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản của địa phương tại lễ hội là dịp để các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đến với du khách thập phương, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để các đơn vị sản xuất, kinh doanh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hơn 300 cây cảnh Bonsai được các nghệ nhân đến từ các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai cũng đã tham gia triển lãm cây cảnh nghệ thuật. Nhiều cây cảnh có dáng độc lạ, không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị kinh tế cao.
Triển lãm là cơ hội để giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, người sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ sinh vật cảnh tăng cường giao lưu liên kết, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, hình ảnh sinh vật cảnh của thị xã.
Cũng tại đây đã diễn ra hoạt động triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày gần 40 tác phẩm đa dạng về nội dung, màu sắc mang đậm dấu ấn về mảnh đất và con người Hoàng Mai. Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm là thành quả từ những chuyến thực tế sáng tác của các nghệ sĩ tại khắp các địa phương trên địa bàn thị xã, xoay quanh các lễ hội truyền thống, nhịp sống thường ngày, vẻ đẹp đất và người Hoàng Mai.
Các môn thể thao và các hoạt động văn hóa đa dạng được tổ chức trong thời gian diễn ra Lễ hội không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cơ hội được vui chơi, giải trí cho nhân dân mà còn khuyến khích việc bảo tồn, phát huy các nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng cư dân các địa phương, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của Lễ hội đền Cờn 20.