Phóng sự - Ghi chép

Sống mãi ký ức Tháng 4 trong lòng người lính tàu không số

Gia Ân-Thanh Toàn 16/04/20 - 11:03

Những trận chiến đã rời xa hơn 50 năm, nhưng có lúc ông Hồ Đình Thuần vẫn ngỡ rằng đang trong giấc mơ đoàn tụ, sum vầy cùng con cháu. Hơn 10 năm quân ngũ, không ít lần chứng kiến cái chết cận kề, tự tay chôn cất đồng đội, người lính hiểu thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh. Với ông, trận chiến trên con tàu không số năm nào như vẫn chưa kết thúc…

Truy điệu lúc lên đường

Ông Hồ Đình Thuần, sinh năm 1943, đã khóc khi kể chuyện chiến đấu và sự hy sinh của đồng đội. Trong ngôi nhà của mình ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu - Nghệ An), có 2 kỷ vật ông thường ngày nâng niu là bức ảnh con tàu không số được phóng ra cỡ lớn và mô hình con tàu bằng gỗ được đồng đội cũ gửi tặng. “Từng là lính Hải quân chinh chiến nơi biển khơi, phó thác sinh mạng cho biển cả, tôi và biết bao đồng đội yêu biển như yêu gia đình, con tàu là một phần cơ thể”, ông Thuần tâm sự.

6.jpg
Hơn 50 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ đến trận chiến đó, ông Thuần vẫn nhớ thương đồng đội. (Ảnh tư liệu của chiến sỹ huyện Quỳnh Lưu bên tàu không số năm xưa)

Gần 60 năm trước, vừa rời ghế nhà trường, chàng trai miệt biển xã An Hòa (Quỳnh Lưu - Nghệ An) lên đường nhập ngũ, được biên chế vào lực lượng Hải quân, cử đi đào tạo ngành Hàng hải và sớm có mặt trên Đoàn tàu không số (Đoàn 125). Giữa năm 1966, chiến sĩ Hồ Đình Thuần cùng 22 đồng đội do đồng chí Phan Xạ làm thuyền trưởng sang Trung Quốc nhận chiếc tàu trọng tải 200 tấn có tên Nhật Lệ (Tàu C-69B).

Cuộc chiến ngày càng cam go, nhu cầu chi viện cho chiến trường ngày một lớn, tháng 2/1971 tàu Nhật Lệ được lệnh chở hàng vào Cà Mau để chi viện cho chiến trường Đông Nam bộ. Trước lúc lên đường, Quân chủng Hải quân đã làm lễ truy điệu cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu, nghĩa là ai cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Con tàu giả dạng tàu dầu nước ngoài theo hướng Nam thẳng tiến, qua vùng biển Singapore, Malaysia.

Trên đường đi, các loại tàu chiến và máy bay trinh sát của Mỹ luôn bám sát, buộc thuyền trưởng Phan Xạ dùng nhiều chiến thuật đánh lạc hướng đối phương. Khi nhanh chóng cập vào một hòn đảo để nghỉ ngơi, có khi lại giả vờ quay ngược lên hướng Bắc để che mắt địch, đây thực sự là cuộc đấu trí cân não.

2.jpg
Thế hệ trẻ đến thăm và tặng quà cho chiến sĩ đoàn tàu không số Hồ Đình Thuần.

Chiều tối ngày 13/4/1971, sau nhiều ngày cơ động trên biển, tàu C-69B nhận được lệnh chuyển hướng vào bờ. Các chiến sĩ hết sức vui mừng, hồi hộp và phấn chấn. Màn đêm yên tĩnh, mặt biển hiền hòa, con tàu cứ lặng lẽ lướt nhanh trong đêm vắng.

Khoảng 22 giờ 45 phút, khi tàu cách bờ 25 hải lý bỗng có tín hiệu đỏ bắn lên từ ngoài khơi, rồi pháo hạm từ một tàu khu trục dội vào, thuyền trưởng Phan Xạ phát lệnh báo động chiến đấu. Đồng thời, báo cáo cấp trên tàu C- 69B đã bị địch phát hiện và nhận lệnh cơ động vòng tránh để bảo toàn lực lượng, vũ khí và hàng hóa. Tàu liên tục đổi hướng trên vùng biển Cà Mau – Bạc Liêu nhưng địch đã khép chặt vòng vây, ba phía đều có tàu khu trục của Mỹ, phía trong bờ các loại xuồng cao tốc của địch như mắc cửi, trên không máy bay trực thăng gầm rú, chiếc đèn pha sáng rực cả một vùng.

Tình hình rất nguy cấp, thuyền trưởng điện về Sở chỉ huy xin phép thực hiện phương án 2 là nổ súng trực tiếp chiến đấu đánh trả địch. Các chiến sỹ vào vị trí chiến đấu, lực lượng tàu chiến của địch quá đông, lại được máy bay yểm trợ nên cuộc chiến gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Tàu bị trúng một quả rốc-két làm gãy cần cẩu ở mũi, thuyền phó phụ trách hỏa lực Nguyễn Văn Tú (quê Thái Bình), pháo thủ Lâm Thanh Hồng (quê Nam Hà) lần lượt hy sinh. Rồi một loạt rốc-két từ máy bay bắn xuống trúng ca bin, máy lái bị hỏng nặng, người bạn đồng hương Quỳnh Lưu của ông Thuần là Trần Văn Nhân trúng đạn hy sinh.

Tình thế mỗi lúc một nguy hiểm, tất cả hội ý và thống nhất xin cấp trên thực hiện phương án 3 là phá hủy tàu, không để vũ khí và hàng hóa rơi vào tay địch. Thuyền trưởng Phan Xạ hô vang: “Tất cả kiểm tra quân số ai còn, ai mất, những đồng chí đã mất phải cho vào túi tử để đem vào bờ”.

1.jpg
Ông Hồ Đình Thuần chia sẻ về trận chiến sinh tử trên đoàn tàu không số

Công việc diễn ra mau lẹ, 5 đồng chí hy sinh được đưa vào túi tử, 18 người còn lại chuẩn bị vũ khí cá nhân và áo phao, chia thành 3 tốp, tổ chức điểm hỏa cho 4,8 tấn bộc phá rồi bơi vào bờ, người rời tàu cuối cùng là thuyền trưởng Phan Xạ.

Ngày về thấy ảnh thờ

Ông Hồ Đình Thuần rời tàu cùng áo phao, khẩu AK báng gấp, 3 băng đạn, mấy quả lựu đạn, mặt nạ chống độc, túi lương khô và thi hài một đồng đội nằm trên chiếc phao phía sau. Lúc này, thuyền cách bờ khoảng 5 hải lý, địch vẫn tiếp tục vây riết và pháo kích đồn đập.

Không thấy ta đánh trả, địch biết ta đã rời tàu nên cho trực thăng bay thấp, rà khắp mặt biển và xối xả bắn xuống hòng tiêu diệt. “Lúc ấy chỉ nghĩ đến việc chiến đấu, không nghĩ đến việc sống chết, vừa bơi vừa lăm lăm khẩu súng và để ý thi hài đồng đội phía sau”, ông Thuần kể lại.

Khoảng 4h sáng ngày 14/4, tốp của ông Thuần bơi được vào bờ. Một tiếng nổ vang lên, đất trời rung chuyển, cả rừng đước ven biển Cà Mau cũng giật mình, bộc phá trên tàu đã phát nổ. Rồi tất cả im bặt, không một tiếng súng, côn trùng cũng không còn rên rỉ, một sự im lặng rợn người.

5.jpg
Mỗi lần vào thăm lại chiến trường xưa là một lần người cựu chiến binh ấy mang nặng nỗi niềm và nghĩa tình với đồng đội đã ngã xuống. Ảnh tư liệu)

Nhanh chóng chôn cất đồng đội, ăn lương khô lót dạ để lấy sức cho trận chiến tiếp theo, vì địch biết ta đã phá hủy tàu thế nào cũng tìm cách bơi vào bờ nên đã đổ quân bao vây. Quả đúng như vậy, địch đã cho 2 tiểu đoàn chờ sẵn ở cửa sông Gành Hào (Cà Mau), lại bắt đầu một cuộc chiến sinh tử.

Ông Thuần và các đồng đội trong tốp lần vào rừng đước, lần theo hướng Tây thẳng tiến với ý nghĩ càng xa bờ biển càng tốt. Bỗng dưng một tiếng lựu đạn nổ vang, rồi loạt đạn AK giòn giã, tiếp đến là tiếng súng vang lên xối xả của địch. Tránh xa hướng có tiếng súng, những chiến sĩ tàu không số lội bì bõm giữa khu rừng đước ngập mặn, lương khô hết, mệt và đói đến lả người.

Để chống chọi với cái đói, ông và đồng đội phải bắt cua quấn với lá đước ăn gỏi, nồng nặc mùi tanh nhưng vẫn cố nuốt để dành lấy cơ hội sống sót. Sau gần 1 tuần lạc nhau giữa rừng đước, những người lính của tàu C-69B gặp lại nhau với sự tương trợ của quân giải phóng.

Gặp lại nhau mới biết tiếng lựu đạn và AK hôm nọ là của chiến sỹ Nguyễn Văn Hùng dùng để đánh lạc hướng, mở đường máu cho đồng đội ở tốp 2 thoát khỏi vòng vây của địch. Người chiến sỹ ấy hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi, là thợ máy của tàu, quê Từ Liêm (Hà Nội).

Còn thuyền trưởng Phan Xạ - người cuối cùng rời tàu đã bị máy bay địch phát hiện và bắn chết lúc bơi trên biển. Những người còn lại ôm lấy nhau mà khóc, khóc vì thương những đồng đội đã ngã xuống nơi mảnh đất cực Nam xa xôi này.

Sau trận chiến ấy, ông Hồ Đình Thuần ở lại Quân khu 9 tiếp tục chiến đấu và công tác, được giao nhiệm vụ đào tạo thợ máy cho Trường Hàng hải chuẩn bị cho việc giải phóng biển đảo. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được về Quân khu 4 an dưỡng, chuyển về công tác ở huyện ủy Nghĩa Đàn và nghỉ hưu năm 1988. Có một điều khá đặc biệt, là lần về phép sau 6 năm biền biệt, mẹ già đã mất được 2 năm (bố mất lúc ông Thuần còn trong bụng mẹ), người vợ vẫn mỏi mòn chờ đợi, ngước lên bàn thờ ông thấy ảnh mình nằm sau bát hương.

Thì ra, với những người lính của Đoàn tàu không số, các thông tin luôn phải giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với gia đình. Và lúc lên đường làm nhiệm vụ được truy điệu sống, nghĩa là luôn xác định chiến đấu và hy sinh. Vì thế, những lần ông Thuần ra Hải Phòng tìm thân nhân những đồng đội để báo tin phần mộ nhưng không gặp được ai, chính quyền địa phương cũng không nắm được.

Nỗi xót xa dâng trào, mỗi lần vào thăm lại chiến trường xưa là một lần người cựu chiến binh ấy mang nặng nỗi niềm và nghĩa tình với đồng đội đã ngã xuống.

Ông Hồ Đình Thuần chia sẻ: “Trong những cơn mơ, tôi lại trở về những trận chiến, gặp đồng đội trong giấc chiêm bao. Với tôi, hình như trận chiến chưa kết thúc, vì nhiều đồng đội chưa về…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống mãi ký ức Tháng 4 trong lng người lính tu khng số