Tin địa phương

Sống xanh từ những việc nhỏ mà ý nghĩa lớn

Thanh Phương 26/02/20 - 20:18

Sống xanh và không để lại quá nhiều tồn dư rác thải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, cần sự chung tay của cả cộng đồng, các cấp, ngành, đoàn thể. Đây là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ, liên tục và cần hành động khẩn trương, có trách nhiệm.

Ngày 26/2, thông tin từ Hội Phụ nữ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã trao tặng 200 làn nhựa cho hội viên, phụ nữ phường Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa) dùng đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời tặng bản đồ Việt Nam và sách cho Công an phường Quảng Tâm.

dicho.jpg
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Thanh Hóa tặng làn đi chợ cho người dân.

Theo thống kê, ở Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.

tuyentruyennd.jpg
Hạn chế rác thải nhựa, túi nilon cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, các ban, ngành.

Từ năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Tại Thanh Hóa, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh trung bình 1 ngày người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người). Trong đó, chỉ khoảng 2,2% rác thải được tái chế. Lượng chất thải này ngày càng khó kiểm soát, có chiều hướng gia tăng theo sự phát triển của kinh tế - xã hội.

dicholan.jpg
Dùng làn đi chợ để hạn chế rác thải nhựa, đảm bảo vệ sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa; các doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa.

Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại, hệ lụy của rác thải nhựa đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; từ đó để người dân thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

trongcay.jpg
Các cấp, ngành ở Thanh Hóa hưởng ứng Tết trông cây đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Túi nilon khi đựng thực phẩm đã chế biến, chúng sẽ có nguy cơ gây hại cho não, gây ung thư bằng cách truyền các kim loại nặng sang thức ăn. Không những thế, nếu đựng đồ ăn nóng ở nhiệt độ từ 70 - 80 độ C, những chất độc hại trong túi nilon sẽ phát huy tác dụng và hòa lẫn vào thức ăn. Khi thiêu hủy, các loại túi này sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan và dioxin cực độc. Trường hợp chôn vùi dưới đất, phải mất tới 400-600 năm mới có thể phân hủy hết.

Cùng với những chế tài để quản lý việc sử dụng túi nilon, việc khuyến khích trở lại các thói quen cũ giảm phát thải nilon là cần thiết. Dùng làn, túi thân thiện đi chợ sẽ hiệu quả bởi khi một sản phẩm đã gắn bó với cuộc sống thường ngày của mọi người, việc lan tỏa tinh thần sống xanh sẽ trở thành điều tự nhiên, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Cũng tại khuôn viên cây xanh phố Phúc Cường, phường Quảng Tâm, TP. Thanh Hóa, các đơn vị đã phối hợp tổ chức phát động, hưởng ứng Tết trồng cây và ra quân Tháng Thanh niên năm 20.

Tại Lễ phát động, các đại biểu cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ đã tham gia trồng 50 cây phong linh và 6.000 cây mắt ngọc. Đây là nét đẹp văn hóa đầu xuân của người Việt và ý nghĩa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Việc tổ chức phát động và hưởng ứng Tết trồng cây ngày càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong cải thiện môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc trồng, chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường sống, góp phần giảm thiểu tác động của chất thải tới sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân, trong đó phát huy vai trò của phụ nữ, thanh niên luôn là lực lượng xung kích, đi đầu.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và hưởng ứng Tháng Thanh niên với chủ đề: “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, tạo dấu ấn và động lực cho phong trào trồng cây, giữ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, góp phần cùng TP. Thanh Hóa hoàn thành các tiêu chí đô thị văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống xanh từ những việc nhỏ m ý nghĩa lớn