Các quốc gia đã bắt đầu chiến dịch sơ tán công dân khỏi Sudan do không còn có thể đảm bảo an ninh trong bối cảnh hiện nay.
Tại châu Âu, ngoài Pháp, một số nước khác cũng bắt đầu lên kế hoạch di tản. Chính phủ Đức đã có cuộc họp khẩn trong ngày 22/4 và có thể sẽ nhanh chóng di tản công dân Đức.
Liên minh châu Âu cũng nhiều khả năng công bố kế hoạch sơ tán chung của khối khi Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp trong ngày /4 tại Brussels. Tuần trước, Đại sứ EU tại Sudan đã bị tấn công ngay tại nhà riêng.
Sáng ngày 23/4, chính quyền Mỹ đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn Đại sứ quán Mỹ tại Sudan và sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao cùng gia đình.
Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã triển khai lực lượng đến các quốc gia láng giềng của Sudan nhằm sớm sơ tán công dân nước mình.
Tuy nhiên, chiến dịch sơ tán công dân của các nước khỏi Sudan cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do tình hình an ninh bất ổn. Báo chí Đức cho biết, trong tuần qua, 3 máy bay quân sự của Đức điều tới Sudan đã buộc phải quay đầu do rủi ro an ninh.
Đại sứ quán Mỹ tại Sudan đã cảnh báo công dân nước này về việc không thể hỗ trợ cho họ trong việc di chuyển từ Thủ đô Khartoum đến cảng Port Sudan, mà việc này sẽ do các cá nhân chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, hàng nghìn người nước ngoài, bao gồm nhân viên đại sứ quán, nhân viên cứu trợ và sinh viên, chưa thể rời khỏi Thủ đô Khartoum và các khu vực khác của Sudan, do sân bay đóng cửa và không phận không an toàn.
Trong một tuyên bố ngày 22/4, Hiệp hội Bác sĩ Sudan đã thúc giục cộng đồng quốc tế và khu vực hỗ trợ khẩn cấp để ngăn chặn cuộc xung đột đẫm máu và kêu gọi các nước kiềm chế mọi hành động kích động và làm gia tăng cuộc xung đột trên khắp cả nước.
Hiệp hội cũng cảnh báo việc sơ tán công dân nước ngoài là dấu hiệu cho thấy các yêu cầu ngừng bắn giữa hai bên đã thất bại.
Theo Hiệp hội Bác sĩ Sudan, việc sơ tán công dân nước ngoài, sẽ dẫn đến sự gia tăng nguy hiểm đối với những công dân không có khả năng tự vệ, bởi các bên tham gia cuộc xung đột chỉ quan tâm đến mạng sống của công dân nước ngoài, mà không quan tâm đến mạng sống của thường dân Sudan.
Xung đột quân sự giữa lực lượng quân đội chính phủ Sudan và nhóm nổi dậy FRS không có dấu hiệu hạ nhiệt trong những ngày qua, bất chấp sức ép và lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế. Các số liệu của Liên hợp quốc cho biết đã có ít nhất khoảng 420 dân thường thiệt mạng, cùng hàng ngàn người bị thương trong các cuộc giao tranh đẫm máu ở Thủ đô Khartoum.