Ngy 29/8, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc do ong đốt, biến chứng suy đa tạng phủ.
Theo đó, bệnh nhân đầu tiên là ông N.T.H. (47 tuổi, ở huyện Kim Bảng, Hà Nam) nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt.
Gia đình cho biết, trước đó ông H. đang đi lấy củi thì bị đàn ong vò vẽ tấn công. Kết quả, bệnh nhân có hơn 50 nốt trên khắp cơ thể. Sau khi bị ong đốt, toàn thân bệnh nhân nóng bừng, khó chịu, choáng váng. Người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam rồi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đang tiến triển tốt song vẫn đang phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên thăm khám bệnh nhân bị ong đốt đang điều trị tại Trung tâm Chống độc
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.V.T. (23 tuổi, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) hiện đang được điều trị tích cực. Bệnh nhân cho biết, chiều 19/8 khi đang lấy củi trong rừng thì bị đàn ong vò vẽ tấn công với khoảng 70 nốt trên khắp cơ thể, tập trung vào đầu, hai cánh tay, bả vai, lưng… Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân vẫn có biểu hiện viêm thận, viêm tụy cấp, suy tạng.
Theo bác sĩ Nguyên, trong thời điểm chuyển mùa như hiện nay, ong sinh sôi rất nhiều. Số ca bị ong đốt cũng gia tăng. Nếu như mùa đông xuân, ít có bệnh nhân ngộ độc do ong đốt thì hiện ngày nào Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận 3-4 ca nặng. Tùy loài ong mà nọc độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với vài vết đốt như ong vò vẽ, ong đất, ong đất (ong bắp cày), ong bầu.
Hầu hết bệnh nhân bị ong đốt thường không biết cách sơ cứu hoặc không đến cơ sở y tế trong 6 giờ đầu sau khi xảy ra sự cố. Trong khi đó, nọc độc ong vò vẽ rất nguy hiểm đối với sức khoẻ, chỉ trên 10 nốt đốt đã rất nặng nề. Bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều, choáng, khát, tiểu ít dần, tổn thương cơ, suy thận, tan máu, rối loạn đông máu và tiểu cầu, có thể tổn thương các tạng khác.
Trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều người bị ong đốt nguy kịch, các bác sĩ khuyên, nếu không may bị ong đốt, người bệnh cần phải hết sức bình tĩnh, tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn.
Sau khi bị ong đốt, người bị nạn cần rửa sạch các vết đốt bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng; đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề khoảng -20 phút có thể giúp giảm đau giảm đau và giảm phù nề. Trường hợp nạn nhân thấy mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi ban, nước tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở,... là bị ngộ độc nặng. Do đó, người nhà phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất điều trị.