Như chúng ti đã thng tin, tại kỳ họp thứ 7, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Dự thảo lần này, vẫn còn nhiều đại biểu có ý kiến đóng góp...
ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang): Cần tăng cường trách nhiệm của VKS khi thực hiện yêu cầu của Tòa án
Tại điểm c, khoản 3, Điều 2 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: Tòa án có thẩm quyền chủ trì phối hợp với VKS xác định việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết. Nhưng Dự thảo cần phải quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của VKS khi thực hiện yêu cầu của Tòa án. Có như vậy mới tạo điều kiện để Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, không bị phụ thuộc vào kết luận, kết quả điều tra của CQĐT và VKS thực hiện. Tôi kiến nghị chỉnh sửa lại điểm c khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) như sau: “Trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung hoặc yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc chủ trì phối hợp với VKS xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết”.
ĐB Phạm Hồng Phong
Ở khoản 7 Điều 2 của Dự thảo về việc Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản QPPL trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức. Tôi cho rằng quy định này là rất cần thiết và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp.
Mặt khác, để tăng cường hiệu lực của quyền tư pháp, tôi cho rằng cơ quan được kiến nghị cần phải có trách nhiệm thực hiện kiến nghị và phải trả lời kết quả thực hiện kiến nghị của Tòa án. Cho nên, cần sửa đổi đoạn 2 khoản 7 Điều 2 như sau: “Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm thực hiện và trả lời cho Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật, là cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án”.
ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh): Tòa án phải được giao nhiệm vụ và có quyền hạn kiểm soát hoạt động tư pháp
Để cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về quyền kiểm soát quyền lực quy định của Tòa án, quy định Tòa án thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 102 của Hiến pháp thì Tòa án phải được giao nhiệm vụ và có quyền hạn kiểm soát hoạt động tư pháp như yêu cầu đã được đặt ra trong Kết luận số 92 của Bộ Chính trị.
ĐB Nguyễn Trọng Trường
Theo đó, cần quy định theo hướng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Tòa án phải kiểm soát, kiểm tra toàn bộ quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử để đảm bảo tính đúng đắn của toàn bộ quá trình tố tụng và tuyên bản án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.
Cụ thể, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam của CQĐT, VKS trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp đó, có thể thay thế bằng các biện pháp khác theo luật định. Hoặc trường hợp CQĐT khởi tố bị can, mặc dù có sự phê chuẩn của VKS, nhưng có khiếu nại của đương sự về quyết định khởi tố thì Tòa án phải xem xét tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định khởi tố đó ngay từ giai đoạn điều tra vụ án. Việc quy định Tòa án có quyền kiểm soát hoạt động tư pháp theo hướng nêu trên là thể chế hóa yêu cầu được nêu tại điểm 2.1, Mục 2 kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong hoạt động thực hiện các hoạt động tư pháp.
Bên cạnh những nội dung nêu trên, trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền, để đảm bảo cho Tòa án ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm cũng cần quy định Tòa án có thẩm quyền trong việc điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ đối với những trường hợp cần thiết. Với những lý do trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào khoản 3 Điều 2 quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn yêu cầu VKSND, CQĐT hoặc tự mình xác minh thu thập, bổ sung chứng cứ nếu việc điều tra thu thập chứng cứ không đầy đủ để đảm bảo xét xử giải quyết các vụ án đúng pháp luật.
Theo quy định tại Điều 3 Dự thảo, hệ thống TAND gồm: TANDTC; các TAND cấp cao; các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Tòa án quân sự. Theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị thì việc thành lập ba Tòa án cấp cao ở ba nơi là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. TAND cấp cao được thành lập với nhiệm vụ và quyền hạn là xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Với chức năng và nhiệm vụ như vậy, khối lượng các vụ án rất lớn, hơn nữa việc giám đốc thẩm, tái thẩm theo luật hiện hành một phần thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, nay theo Dự thảo Luật quy định thuộc thẩm quyền TAND cấp cao.
Với số lượng các vụ án nhiều, các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lớn, tôi đề nghị Quốc hội quy định cụ thể số lượng TAND cấp cao theo hướng có từ 5 TAND cấp cao. Như vậy mới đáp ứng được nhiệm vụ xét xử kịp thời của các vụ án.
ĐB Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng): Hoàn toàn thống nhất với khoản 1 Điều 65
Tôi hoàn toàn thống nhất với khoản 1 Điều 65 của Dự thảo về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp. Tuy nhiên, tại khoản 2, 3 Điều 65 về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, cao cấp chưa tương xứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Lý do là: Theo quy định tại các Điều 44, 45, 46 Luật Cán bộ, công chức thì công chức Nhà nước khi có đủ điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch cao hơn trước khi bổ nhiệm phải trải qua kỳ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh. Thẩm phán cũng là công chức nhà nước, tiêu chuẩn, chức danh Thẩm phán phải được quy định bằng hoặc cao hơn các chức danh khác tương đương. Vì vậy, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trước hết phải tuân thủ những quy định mang tính nguyên tắc của Luật cán bộ, công chức, trong đó nguyên tắc cơ bản nhất là khi bổ nhiệm công chức vào ngạch cao hơn phải trải qua kỳ thi nâng ngạch, cạnh tranh.
ĐB Huỳnh Nghĩa
Có như vậy, chúng ta mới thực sự được lựa chọn những Thẩm phán ưu tú để bổ nhiệm vào ngạch cao hơn. Không những vậy, các chức danh Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Điều tra viên cũng sẽ tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương đồng trong trình tự bổ nhiệm các chức danh, công chức trong bộ máy Nhà nước.
Về Hội đồng tuyển chọn giám sát Thẩm phán quốc gia tại Điều 66, Điều 67 Dự thảo: Đây là một chế định hoàn toàn mới, lần đầu tiên có ở nước ta. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 67 thì Hội đồng bao gồm lãnh đạo một số cơ quan trung ương đã thực hiện quá nhiều công việc, quyền hạn là không khả thi. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu lại khoản 2, Điều 66 theo hướng giao cho một lãnh đạo Quốc hội hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giữ chức Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia nhằm đảm bảo tính khách quan, Chánh án TANDTC là thành viên thường trực. Hội đồng này có những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, mang tầm cỡ quốc gia là: Tổ chức kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán; xem xét, đề nghị Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán tối cao và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của Thẩm phán tối cao. Xuất phát từ thực tế hoạt động rất có hiệu quả của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp tỉnh thời gian qua, vì thế không có lý do gì phải bỏ Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp tỉnh để dồn về Trung ương gây ùn tắc công việc, không cần thiết.
Tôi thống nhất phần tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ phát triển án lệ cho TANDTC, điều này phù hợp với Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và Điều 104 của Hiến pháp. Thực tiễn công tác xét xử cho thấy pháp luật hiện nay chưa điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, một số quy định chưa rõ ràng và có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật thường phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm cá nhân của Thẩm phán. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bản án bị hủy, sửa nhiều. Do vậy, bên cạnh nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật thì rất cần lựa chọn việc ban hành án lệ để các Thẩm phán nghiên cứu áp dụng kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hiện nay. Về phía người dân, án lệ sẽ giúp họ nắm rõ được kết quả xét xử vụ án, tránh tình trạng bị kẻ xấu lừa đảo chạy án gây rối trật tự xã hội. Về phía Tòa án, sử dụng án lệ sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án bị xử oan sai, đồng thời ngăn chặn tình trạng lách luật do tiêu cực.
ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc): Không nên quy định Tòa án cấp huyện có tòa chuyên trách
Về cơ cấu tổ chức của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương ở Điều 44, có các Tòa chuyên trách là Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính. Không nên quy định TAND cấp huyện có thể có các Tòa chuyên trách nêu trên mà căn cứ vào yêu cầu, thực tế xét xử ở từng địa phương, Chánh án TANDTC quyết định thành lập các tòa chuyên trách ở mỗi Tòa án cấp huyện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán ở Điều 65, theo tôi nếu tổ chức bốn ngạch Thẩm phán theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Dự thảo Luật, tôi đề nghị bỏ hai từ "cấp cao" sau từ "Tòa án" ở đoạn 1 khoản 3 Điều 65 của Dự thảo Luật. Vì quy định như Dự thảo là để xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp của TAND cấp cao. Trong khi tại khoản 4 Điều 63 của Dự thảo Luật quy định: "TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu có các ngạch Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp". Vì vậy, cần quy định như sau: "Người đã là Thẩm phán trung cấp từ đủ 5 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp".
ĐB Trần Hồng Hà
Về Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia, Điều 66: Tôi đề nghị cân nhắc quy định các Chánh án TAND cấp cao là thành viên của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Vì, tại khoản 3 Điều 63, Dự thảo Luật quy định: "TAND cấp cao chỉ có một ngạch Thẩm phán đó là ngạch Thẩm phán cao cấp". Trong khi điểm a khoản 2 Điều 67 quy định: "Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn xem xét, tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đề nghị Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn, đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC". Như vậy, người ở ngạch Thẩm phán thấp hơn Thẩm phán cao cấp không thể là thành viên của Hội đồng tuyển chọn có thẩm quyền tuyển chọn Thẩm phán ở ngạch cao hơn, đó là Thẩm phán TANDTC.
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, Điều 69, tôi đề nghị bổ sung quy định: "Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc công tác khác". Đối với Thẩm phán, cần quy định nhiệm kỳ đầu là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm ở ngạch cao hơn thì thời hạn là 10 năm. Việc bổ nhiệm lại Thẩm phán cao hơn qua một tiêu chuẩn hết sức chặt chẽ, qua việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác ở ngạch hưởng thấp hơn, sau đó nếu đủ điều kiện thì mới được xem xét để bổ nhiệm ở ngạch Thẩm phán cao hơn.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Bước tiến dài trong đổi mới tư duy pháp lý
Tôi cho rằng Dự thảo đã thể hiện được tư tưởng cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49 và Hiến pháp năm 2013. Có thể nói, đây là một bước tiến dài trong đổi mới tư duy pháp lý trong lĩnh vực tư pháp. Đã thể chế hóa được chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND. Dự thảo đã có sự phân định rõ ràng hơn về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đã chỉ rõ các cơ quan thực hiện quyền tư pháp là TAND. Cơ chế giám sát của Tòa án sẽ thực hiện theo hướng tập trung đầu mối, đồng thời kết hợp bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và phù hợp với xu hướng của nền tư pháp tiến bộ.
Dự thảo lần này đã dành nguyên một chương là Chương VIII nói về Hội thẩm nhân dân; đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, trách nhiệm, điều kiện làm việc và tổ chức Đoàn Hội thẩm. Song, về quy định tổ chức của Hội thẩm, Đoàn Hội thẩm, tôi thấy cần phải nghiên cứu thêm theo hướng tạo cơ chế để bảo đảm tính khách quan trong xét xử; đặt đúng vị trí của Hội thẩm nhân dân với tư cách là người đại diện cho nhân dân để tham gia xét xử trong một vụ án cụ thể.
ĐB Bùi Mạnh Hùng
Vì thế, tôi đề nghị giao cho Hội đồng nhân dân trực tiếp quản lý hoạt động của Hội thẩm nhân dân và Đoàn Hội thẩm nhân dân. Việc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân do Chủ tịch Hội đồng nhân dân cử theo đề nghị của Chánh án TAND cùng cấp. Đề nghị này là đề nghị chung theo yêu cầu chứ không đề nghị đích danh hội thẩm này kia. Về Đoàn Hội thẩm sẽ đề nghị cụ thể Hội thẩm nhân dân nào tham gia vụ án đó, đảm bảo tính khách quan hơn. Chế độ, chính sách, về cơ sở vật chất đối với Hội thẩm nhân dân và Đoàn Hội thẩm nhân dân sẽ do Hội đồng nhân dân đảm bảo. Từ đó, sẽ tăng cường hơn vai trò giám sát của cơ quan dân cử trong hoạt động xét xử, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân sẽ được đề cao hơn, rõ ràng hơn, độc lập hơn và theo đúng hướng cải cách tư pháp.