Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Ta án điện tử l mục tiêu, nhiệm vụ được TAND TP. Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện. Qua đ, nâng cao chất lượng cng tác, phục vụ nhân dân tốt hơn theo tinh thần cải cách tư pháp.
Từ năm 2021 đến nay, TAND TP.HCM đã và đang triển khai đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính. Trong quá trình giải quyết các án hành chính cho thấy, việc vắng mặt của đương sự khi Tòa án tiến hành đối thoại, kiểm tra, tiếp cận chứng cứ và xét xử ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, đối thoại trực tuyến trong giải quyết các vụ án hành chính tại TAND TP.HCM đã tháo gỡ phần nào vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự không thể đến Tòa án có tham gia đối thoại.
Tiếp đó là Đề án phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện tại trên địa bàn TP.HCM có 02 trung tâm là cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn), cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi), là nơi tiếp nhận, tạm giữ người nghiện ma túy, cũng là nơi tổ chức phiên họp cho TAND TP.HCM và 21 quận/huyện, TP.Thủ Đức.
Mỗi cơ sở chỉ từ 3 - 4 phòng họp, nhưng số lượng phiên họp phải tổ chức hàng năm là 3.500 – 4.500 vụ. Hơn nữa, mỗi phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngoài sự tham gia của Thẩm phán, Thư ký tòa, còn có Kiểm sát viên, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan đề nghị áp dụng).
Chi phí đi lại và việc bố trí phương tiện đi lại sẽ ảnh hưởng đến thời gian mở phiên họp. Vì vậy, TAND TP.HCM triển khai đề án "Phiên họp trực tuyến xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TP.HCM". Khi triển khai đề án, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng với quyết tâm nên trong năm 2022, Tòa án hai cấp TP.HCM đã mở được 160 phiên họp trực tuyến.
Một phiên tòa xét xử trực tuyến tại TAND TP. Thủ Đức
Mục tiêu quan trọng của Tòa án điện tử là hướng tới phục vụ người dân, cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công hiện đại, thuận lợi và tiết kiệm. Trong đó, bao gồm số hóa hồ sơ. Với việc số hóa hồ sơ đã giải quyết để phục vụ hoạt động lưu trữ cũng như việc trích lục, khai thác hồ sơ.
Ngay từ khâu nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, cũng như trong quá trình giải quyết, TAND TP.HCM đã thực hiện số hóa từng bước hình thành hồ sơ điện tử phục vụ cho việc xây dựng tòa án điện tử sau này.
Bên cạnh đó, Tòa án hai cấp TP.HCM triển khai các phần mềm của TANDTC như: Phần mềm quản lý hoạt động tố tụng; Quản lý văn bản điều hành của tòa án và Phần mềm thống kê, Phần mềm trợ lý ảo, việc triển khai đồng bộ các phần mềm này là cơ sở để kết nối dữ liệu của Tòa án với Đề án 06 của Chính phủ.
Mỗi năm, Tòa án hai cấp TP.HCM thụ lý, giải quyết trên 60.000 vụ việc, trong đó khoảng 90% là vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.
Vì vậy, để giải quyết các vụ việc Tòa án hai cấp TP.HCM phải tống đạt một lượng rất lớn văn bản tố tụng. Trong đó, không ít các đương sự trong vụ án, làm việc, di chuyển giữa các tỉnh, các nước, dẫn đến việc TAND triệu tập, tống đạt các văn bản tố tụng rất khó khăn, tốn nhiều chi phí đi lại, thời gian, công sức và mong muốn được tống đạt bằng phương thức điện tử.
Nếu triển khai phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử sẽ giảm thời gian đi lại cho Tòa, cũng như đương sự, và tiết kiệm được ngân sách nhà nước rất lớn.
Về cơ sở pháp lý, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác và tòa án.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên phương thức này chưa được triển khai trên phạm vi cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử, TAND TP.HCM đã đề nghị TANDTC cho phép triển khai thí điểm việc tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử trong tố tụng dân sự và hành chính. Tuy nhiên, để triển khai đề án Tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND hai cấp TP.HCM, ngoài cơ sở pháp lý đã được quy định, cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ. TAND TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phần mềm hỗ trợ, dự kiến sẽ triển khai thí điểm từ tháng 2/2023.
TAND TP.HCM sẽ từng bước xây dựng hệ thống Tòa án điện tử từ quản trị Tòa án trên nền tảng số theo Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của TANDTC. Do đó, thời gian tới, TAND hai cấp thành phố tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan; lập kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức; đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về nguồn lực để hoàn thành việc triển khai tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.