Mới đây, TAND huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) đã phối hợp với VKSND cùng cấp mở phiên tòa xét xử sơ thẩm trực tuyến rút kinh nghiệm với 4 bị cáo trong một vụ án bắt giữ người trái pháp luật xảy ra ở tại địa phương này. Đây là phiên tòa xét xử hình sự đầu tiên được tổ chức rút kinh nghiệm trực tuyến ở 32 điểm cầu tại VKS 2 cấp TP. Hà Nội và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Bốn bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” trong vụ án này gồm: N.T.N, N.T.M.N, B.T.T.L và N.V.Đ đều trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội) và khi phạm tội đều đang 17 tuổi.
Phiên tòa xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm tới hàng chục điểm cầu
Đây là phiên tòa được truyền trực tuyến tới 32 điểm cầu tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, VKS thành phố và VKS 30 quận, huyện trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng và chuẩn bị tài liệu… cho đội ngũ kiểm sát viên hai cấp TP Hà Nội. Trong đó, phân tích kỹ lưỡng những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện các phiên tòa trực tuyến để tìm giải pháp tháo gỡ chung.
Theo bản án sơ thẩm, do có mâu thuẫn trên mạng xã hội với Chử Thị Thu A (SN 2005, trú tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) nên vào khoảng 9 giờ ngày 6/2/2023, Nguyễn Tuyết Nhi nhắn tin và gọi video call cho Nguyễn Văn Đạt (là bạn học cùng lớp của A) để hỏi Đạt về giờ tan học của A.
Sau khi được Đạt cho biết thông tin về giờ tan học của A, Nhi nhắn tin rủ các bị cáo có tên nêu trên cùng một số đối tượng khác đến cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh (tại xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) để đánh A và cả nhóm đồng ý.
Đến khoảng 10 giờ phút cùng ngày, cả nhóm chờ A tan học rồi tiến đến áp sát và chặn xe, yêu cầu A xuống xe để lên xe của nhóm Nhi nhưng A không đồng ý. Thấy A không nghe theo lời của Nhi, cả nhóm kéo A xuống xe, bắt ép lên xe của nhóm Nhi. Lúc này do bị đe dọa và sợ bị đánh nên A phải ngồi lên xe của nhóm này và bị giữ chặt, không cho chạy.
Sau đó, cả nhóm đưa A đến khu vực cánh đồng xóm Thượng, xã Uy Nỗ (cách vị trí ban đầu khoảng 700 m). Tại đây, Nhi tiến đến kéo A xuống xe, dùng hai tay túm tóc, ghì đầu A ngồi xuống, dùng dép đánh, tay tát, chân đá nhiều lần vào mặt, vào đầu và người khiến A ngã nằm xuống đường.
Thấy A nằm ở đường nhắm mắt thì Linh tiến đến dựng A dậy, vỗ vào mặt A. Lúc này, có người dân đi đến can ngăn thì nhóm Nhi bỏ đi. Còn A được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khám và điều trị. Ngày 7/2/2023, A gửi đơn trình báo đến Công an xã Uy Nỗ, Công an huyện Đông Anh.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng đã truy tố.
Theo HĐXX, các bị cáo phạm tội lần đầu và khi phạm tội các bị cáo đều chưa đủ 18 tuổi, có nơi cư trú rõ ràng, được gia đình cam đoan có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ các bị cáo tu dưỡng bản thân, nên cần áp dụng hình phạt tù tương xứng với mức độ hành vi và giảm nhẹ một phần cho các bị cáo, cho các bị cáo được cải tạo ngoài xã hội dưới sự giúp đỡ, giám sát của chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung… Do đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt 4 bị cáo các mức án tù nhưng đều cho hưởng án treo. Trong đó: Bị cáo Nguyễn Tuyết Nhi 18 tháng tù, bị cáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt và bị cáo Bùi Thị Thùy Linh cùng mức tháng tù, bị cáo Nguyễn Văn Đạt 12 tháng tù về cùng tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Sau phiên tòa, các điểm cầu đã họp rút kinh nghiệm, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát xét xử và tranh tụng tại phiên tòa, từ đó học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong hoạt động tố tụng.
Giải pháp mang tính đột phá
Đại diện lãnh đạo TAND huyện Đông Anh, Phó Chánh án Nguyễn Lâm Bình cho biết: “Khi Thẩm phán được phân công giải quyết một vụ án, bản thân họ vốn đã cẩn thận rồi thì lại càng phải cẩn trọng hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử trực tuyến.
Về phía kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát việc xét xử họ cũng cần chủ động chuẩn bị kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. Đặc biệt lưu ý tới các kỹ năng xử lý tình huống tại phiên tòa, kỹ năng tranh tụng và đánh giá hệ thống các chứng cứ, tài liệu… Từ đó, đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng, thực hiện đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm”.
Phó Chánh án TAND huyện Đông Anh cũng cho biết thêm, phiên toà rút kinh nghiệm và phiên toà trực tuyến là 2 giải pháp được kết hợp mang tính đột phá của công cuộc cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa theo tinh thần chỉ đạo từ Trung ương, qua đó nâng cao trong nhận thức và hành động của cán bộ Toà án, phù hợp xu thế tiến bộ của nền tư pháp tiên tiến.
Phó Chánh án Nguyễn Lâm Bình nói: “Hy vọng ngoài các phiên tòa hình sự sẽ còn nhiều phiên tòa dân sự nghĩa rộng được đưa ra xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm tới các điểm cầu”.
Tại phiên họp rút kinh nghiệm, ông Hoàng Lê Thông, Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh cho biết: Để tổ chức thành công một phiên tòa trực tuyến, các cơ quan tố tụng ở cấp cơ sở gặp khá nhiều khó khăn, trong đó khó khăn đầu tiên cần đề cập tới là thiếu nhân lực chuyên môn về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin chuyên sâu.
Tiếp đó là kinh phí cho riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện chưa rõ ràng, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thêm vào đó, hội trường xét xử của Tòa án cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công phiên tòa trực tuyến. Hội trường phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về phương tiện, máy móc, diện tích… để phiên tòa diễn ra thuận lợi.
Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh cho biết thêm, ngay tại TAND huyện Đông Anh cũng gặp khó khăn lớn về hội trường xét xử. Trụ sở của Tòa hiện đang sửa chữa, nên 6 tháng đầu năm nay hầu như không thể tổ chức được phiên tòa trực tuyến do thiếu điều kiện về cơ sở vật chất...
Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thanh, chủ tọa phiên tòa xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm cho biết, phiên toà xét xử trực tuyến là một xu thế xét xử mới đang được khuyến khích áp dụng bởi phát huy được nhiều ưu điểm, đem lại nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí cho việc xét xử, hạn chế việc di chuyển của những người tham gia tố tụng và những người muốn tham dự phiên toà.
Trong khuôn khổ phiên toà trực tuyến rút kinh nghiệm này cho thấy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức được mời tham dự phiên toà để rút kinh nghiệm không cần thiết phải di chuyển đến tận nơi diễn ra phiên toà, mà chỉ cần tham dự ở các điểm cầu tại trụ sở của mình vẫn có thể theo dõi đầy đủ diễn biến tại phiên toà, tiết kiệm thời gian, kinh phí di chuyển và vẫn đáp ứng việc theo dõi phiên toà nhằm rút kinh nghiệm, học tập, phối hợp để có các hoạt động theo từng lĩnh vực thuộc sự quản lý của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm có liên quan trong vụ án… Đáp ứng yêu cầu của việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các tình huống pháp lý cụ thể và quy trình xét xử minh bạch, khách quan của Toà án…
Việc xét xử trực tuyến cũng là một động lực để những người tiến hành tố tụng trong phiên toà trau đồi kỹ năng xét xử và nhận được những sự đóng góp, phản hồi quý báu từ các đồng nghiệp, các cơ quan có chức năng phối hợp… để tự hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn…
Qua phiên tòa, rất mong các phụ huynh, nhà trường, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ… cùng có biện pháp để tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các thanh thiếu niên trong văn hoá sử dụng mạng xã hội, nhận thức của các phụ huynh trong quản lý, giáo dục các con hạn chế những vi phạm đáng tiếc làm ảnh hưởng đến tương lại của người vị thành niên…
Theo đánh giá rút kinh nghiệm sau phiên tòa trực tuyến, đa số các ý kiến đều cho rằng Thẩm phán chủ tọa, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có liên quan và chủ động áp dụng pháp luật, chuẩn bị tài liệu, kỹ năng đặt câu hỏi, xử lý tình huống, đối đáp… đảm bảo thực hiện công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.