Tòa án địa phương

TAND huyện Tân Uyên (Lai Châu): Quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật

Minh Anh 06/08/2023 - 13:17

Trong mấy năm gần đây, TAND huyện Tân Uyên đã không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài công tác xét xử, đơn vị còn có nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Do đóng chân trên địa bàn miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên TAND huyện Tân Uyên gặp khá nhiều khó khăn trong công tác. Đó là chưa kể đến tình hình tội phạm, các tranh chấp trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, thương mại trên địa bàn huyện diễn ra ngày càng phức tạp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Tòa án huyện luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng công tác xây dựng Chi bộ và cơ quan thành một khối đoàn kết thống nhất và có sức chiến đấu cao. Đồng thời đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc thực hiện lời dạy của Bác về “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, “Gần dân, hiểu dân giúp dân, học dân”.

Cùng với việc tập trung các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ giải quyết, xét xử các loại vụ án và công tác thi hành án hình sự, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử luôn được đơn vị chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại địa phương.

anh-bai-tand-huyen-tan-uyen.jpg
Một phiên xét xử lưu động của TAND huyện Tân Uyên

Các vụ án được đưa đi xét xử lưu động phần lớn là những vụ án hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, được dư luận xã hội quan tâm, như án ma túy, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ... Qua đó đã nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặc dù không gian tổ chức không phải trụ sở Toà án, nhưng tính trang nghiêm, quy trình xét xử tại phiên toà vẫn được đảm bảo.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Tòa án huyện đã xét xử lưu động được 7 vụ, 7 bị cáo. Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức xét xử lưu động 3 vụ, 3 bị cáo.

Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, Hội đồng xét xử căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật cho nhân dân, hình phạt tuyên rõ ràng, đúng quy định của pháp luật. Từ đó tạo ra hiệu quả tuyên truyền, tiếng chuông cảnh tỉnh, bài học đắt giá cho những người “mắt thấy, tai nghe” tại phiên tòa.

Để bảo đảm chất lượng các phiên tòa lưu động, Tòa án huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức phiên tòa, như chọn địa điểm, thời gian xét xử, công tác bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau phiên tòa. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân nắm được và tham dự.

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, lực lượng chức năng và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương nên các phiên tòa xét xử lưu động của đơn vị luôn được bảo đảm về an ninh trật tự, không xảy ra tình trạng gây rối, làm mất trật tự tại các phiên tòa.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị thường xuyên quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán, Thư ký về yêu cầu và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong hoạt động của Tòa án. Từ đó, mỗi cán bộ luôn nhận thức đầy đủ về trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng của mình.

Với phương châm “Mỗi cuộc tiếp công dân, mỗi phiên hòa giải, mỗi phiên đối thoại, mỗi phiên tòa là một buổi tuyên truyền pháp luật”, hàng năm đơn vị đã đề ra các giải pháp đột phá để tập trung thực hiện. Trong đó, việc chọn con người thực hiện, xác định nội dung, phương pháp tiến hành và xác định đối tượng, địa bàn cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật là yếu tố quyết định. Việc lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các phiên hòa giải vụ án tranh chấp dân sự và các buổi đối thoại trong các vụ án hành chính được thực hiện thường xuyên và mang lại nhiều kết quả đáng kể.

Trong công tác tiếp dân, đơn vị luôn bố trí những Thẩm phán, Thư ký có kinh nghiệm công tác, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và có kỹ năng giao tiếp tốt thực hiện. Ngoài việc hướng dẫn công dân về các thủ tục khởi kiện, cán bộ làm công tác tiếp dân đã tận tình giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến tranh chấp để người dân hiểu.

Đối với các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình đưa ra xét xử, các Thẩm phán đã xem xét đánh giá toàn diện, khách quan trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được, không làm sai lệch những chứng cứ đương sự cung cấp nên hầu hết các phán quyết của HĐXX được các đương sự đồng thuận.

Nhờ những cách làm đổi mới, sáng tạo đó nên chất lượng giải quyết án của TAND huyện Tân Uyên cũng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào, đơn vị đã góp phần rất lớn trong công tác ngăn ngừa tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Tân Uyên (Lai Châu): Quan tâm, chú trọng đến cng tác tuyên truyền pháp luật