Việc thành lập TAND khu vực 2 TP. Đà Nẵng từ sự hợp nhất giữa TAND quận Sơn Trà và TAND quận Ngũ Hành Sơn không chỉ thay đổi về quy mô và tên gọi, đây còn là phép thử với năng lực tổ chức, điều hành và bản lĩnh phục vụ nhân dân trong một giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức.
Từ ngày 1/7/2025, theo chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam vào TP. Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mang tên TP. Đà Nẵng, hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân cũng được cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, TAND TP. Đà Nẵng sẽ có 12 tòa án nhân dân khu vực, trong đó 4 khu vực đặt tại địa bàn Đà Nẵng cũ (khu vực 1 đến khu vực 4) và 8 khu vực còn lại (khu vực 5 đến khu vực 12) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trước đây.
Là một trong các Tòa án nhân dân khu vực được bố trí trên địa bàn Đà Nẵng sau khi sáp nhập, TAND khu vực 2 TP. Đà Nẵng không chỉ khoác lên mình tên gọi mới và địa giới hành chính rộng hơn, thẩm quyền theo vụ, việc tăng lên mà còn đảm nhận trọng trách tổ chức lại mô hình vận hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đặt người dân làm trung tâm phục vụ. Với đội ngũ cán bộ từng gắn bó và trưởng thành từ cả hai đơn vị cũ, cùng kinh nghiệm tích lũy qua thực tiễn, TAND khu vực 2 đang từng bước khẳng định vai trò của một thiết chế tư pháp gần dân, hiểu dân và vì dân.
Trụ sở TAND khu vực 2 TP. Đà Nẵng được đặt tại địa điểm cũ của TAND quận Sơn Trà (số 25 Hà Thị Thân, phường An Hải, TP. Đà Nẵng) một địa chỉ quen thuộc với người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận công lý, nhất là trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
Tuy nhiên, khi hợp nhất từ hai đơn vị về một, khó khăn không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp lại không gian làm việc, hạ tầng kỹ thuật mà còn nằm ở yêu cầu tái tổ chức toàn bộ bộ máy, quy trình nghiệp vụ và phương thức phối hợp công tác. Trong thời gian ngắn, vừa ổn định tư tưởng, tổ chức, vừa duy trì tiến độ giải quyết xét xử các loại vụ việc, không để gián đoạn, chậm trễ bất kỳ phiên tòa nào, chính là áp lực lớn nhất đặt ra cho tập thể cán bộ nơi đây.
Trước thực tế đó, Ban lãnh đạo TAND khu vực 2 đã xác định tinh thần hành động ngay từ đầu, đó là không để vì sắp xếp, sáp nhập mà ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác.
Chánh án Đặng Văn Mạnh chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm rất rõ cải cách là để phục vụ tốt hơn, công lý không thể chậm trễ. Vì vậy, ngay khi tiếp nhận quyết định thành lập và các quyết định về công tác cán bộ, chúng tôi lập tức ban hành và triển khai thực hiện các nội quy, quy chế, phân công nhiệm vụ đầy đủ, rõ ràng trong tập thể lãnh đạo, ban hành quy trình chuyển giao hồ sơ, phân công cán bộ, thẩm phán theo lĩnh vực và đảm bảo tiếp nhận đầy đủ các vụ án tồn tại từ hai đơn vị cũ, tiếp tục xử lý như không hề có việc sắp xếp, sáp nhập”.
Theo đó, toàn bộ hồ sơ thụ lý từ TAND quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được rà soát, thống kê chính xác, chuyển giao nguyên trạng. Những vụ án đang trong giai đoạn xét xử tiếp tục được thực hiện đúng lịch, không thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký nếu không thực sự cần thiết. Với các vụ mới khởi kiện, người dân được hướng dẫn trực tiếp, không phải làm lại hồ sơ.
Mặt khác, Tóa án nhân dân khu vực 2 đặc biệt coi trọng việc hướng dẫn và tiếp nhận phản ánh từ người dân trong giai đoạn này. Những thay đổi về tên gọi, địa điểm khiến không ít người băn khoăn, nhưng được cán bộ hướng dẫn rõ ràng, giải thích tận tình, người dân yên tâm, tin tưởng vào Tòa án.
Không chỉ hoàn tất việc sắp xếp tổ chức, TAND khu vực 2 TP. Đà Nẵng còn triển khai mô hình vận hành mới theo hướng chuyên môn hóa- một thay đổi mang tính nền tảng trong hoạt động tư pháp. Hướng đến phân công Thẩm phán giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân – gia đình… một cách ngẫu nhiên, khách quan, đồng bộ và đảm bảo chuyên môn hóa.
Sự phân công rõ ràng này giúp từng Thẩm phán phát huy thế mạnh nghiệp vụ, tập trung nâng cao năng lực chuyên sâu trong từng lĩnh vực, xử lý vụ việc nhanh chóng hơn và góp phần nâng cao chất lượng xét xử chung, đồng thời giảm áp lực công việc khi mỗi người tập trung vào lĩnh vực mình am hiểu sâu. Đây được xem là bước đi thiết thực, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, bộ phận một cửa được kiện toàn, biểu mẫu hồ sơ được thống nhất, thông tin được công khai trên cổng điện tử. Người dân có thể tra cứu lịch xét xử, tình trạng hồ sơ và gửi yêu cầu qua email hoặc qua bộ phận trực tiếp tiếp nhận. “Chúng tôi coi tính công khai, minh bạch là cách để rút ngắn khoảng cách giữa người dân và hệ thống tư pháp”, Chánh án Đặng Văn Mạnh nhấn mạnh.
TAND khu vực 2 cũng chủ động phối hợp với các đơn vị tố tụng cùng địa bàn gồm Công an, Viện kiểm sát, Thi hành án để rà soát tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp, đảm bảo công tác phối hợp luôn được thông suốt, đúng pháp luật.
Ngoài ra, một trong những định hướng lớn của đơn vị là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các phần mềm số hóa được cập nhật đầy đủ, tích hợp kịp thời giữa cũ và mới, liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan và giữa các cấp. Đảm bảo số liệu, dữ liệu luôn “đủ, sạch, sống”. Lịch xét xử công khai trực tuyến, thông tin về vụ án có thể được tra cứu nhanh chóng. Thời gian tới, TAND khu vực 2 TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xét xử trực tuyến đối với các vụ việc đủ điều kiện theo quy định, góp phần tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý một cách nhanh chóng, tiết kiệm.
Cùng với đó, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên tòa lưu động tại những khu dân cư cách xa trung tâm, đặc biệt là khu vực phường Ngũ Hành Sơn nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển đến trụ sở chính, nhằm bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp được thực thi công bằng, đồng đều trên toàn địa bàn.
“Chúng tôi khẳng định, dù địa bàn mở rộng, lượng án tăng nhưng đây chính là thời điểm hệ thống tư pháp phải vận hành linh hoạt hơn, Cán bộ công chức phải tận tâm hơn để thực hiện tốt vai trò của mình. Mỗi phiên tòa được tổ chức đúng tiến độ, đúng quy trình là cách để giữ gìn và củng cố niềm tin của nhân dân”, Chánh án Đặng Văn Mạnh chia sẻ thêm.
Trên thực tế, sau một thời gian đi vào hoạt động, bộ máy của TAND khu vực 2 đã đi vào ổn định. Không có vụ án nào bị chậm lịch do tổ chức lại. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ giữ vững ở mức cao. Quan trọng hơn cả là tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, Thẩm phán không hề bị xao nhãng mà còn thêm quyết tâm.
Với địa bàn đặc thù ven biển, tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, TAND khu vực 2 được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu vận hành hiệu quả trong mô hình Tòa khu vực. Việc đi đầu trong tổ chức lại, nhưng vẫn giữ vững chất lượng xét xử là minh chứng rõ ràng rằng cải cách bộ máy nếu làm đúng hướng sẽ tạo ra thay đổi thực chất.
Tòa án không phải là nơi ai cũng muốn bước vào, nhưng phải là nơi khiến người dân cảm thấy yên tâm khi buộc phải tìm đến. Nếu tổ chức lại để hành trình đi tìm công lý không còn là nỗi lo lắng, phiền hà, thì đó chính là thước đo thành công của bộ máy tư pháp. Và tại TAND khu vực 2 TP. Đà Nẵng, điều ấy đang dần thành hình- bằng những bước đi bài bản, tinh thần tận tụy của từng cán bộ và sự dẫn dắt quyết liệt, trách nhiệm từ người đứng đầu.