Ngày 23/4, TAND tỉnh Bình Dương tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến đến TAND hai cấp của 23 tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại TP. HCM. Ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương cùng lãnh đạo các Tòa án tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Thực hiện Chỉ thị số 01/20/CT-CA của Chánh án TANDTC; Kế hoạch số 03/KH-TA của TAND tỉnh Bình Dương, Chánh án Trần Thanh Hoàng cho biết đơn vị tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án Võ Thị Ngọc Mai (SN 1980, ngụ An Giang) bị truy tố về tội “Giết người". Thẩm phán Hoàng Huy Toàn được phân công làm Chủ tọa phiên tòa.
Điểm cầu trung tâm tại trụ sở TAND tỉnh Bình Dương, điểm cầu thành phần là phòng xử trực tuyến Trại tạm giam Công an tỉnh. Các TAND 23 tỉnh, thành thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại TP. HCM chỉ đạo TAND hai cấp kết nối đường truyền, thiết bị kỹ thuật để theo dõi.
Mục đích là tổ chức phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Qua đó, giúp Thẩm phán, Thư ký nâng cao trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Qua các phần mở đầu, xét hỏi, tranh luận và nghị án kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Võ Thị Ngọc Mai 12 năm tù về tội “Giết người”.
Lời khai bị cáo và các chứng cứ thể hiện do mâu thuẫn trong việc nợ tiền cá nhân giữa Mai và bà Huỳnh Thị Cúc (SN 1986, ngụ cùng quê, cũng là đồng nghiệp trong công ty với Mai), Mai đã nảy sinh ý định mua xăng đốt phòng trọ bà Cúc để trả thù.
Nguyên nhân bắt nguồn vào khoảng tháng 4/2023, Mai đứng ra vay bà Mai 5 triệu đồng của giúp cho người quen. Do người này bỏ đi nên Mai xin bà Cúc không trả lãi và trả góp mỗi tháng 500.000 đồng đến khi hết nợ.
Do Mai không thực hiện đúng cam kết nên ngày 21/10/2023, bà Cúc đến công ty xô xát với Mai. Bị đánh đau, Mai nảy sinh ý định mua xăng đốt phòng trọ bà Cúc.
Khoảng 20 giờ 30 tối 21/10/2023, Mai chuẩn bị ổ khóa, quẹt gas và chai nhựa 500ml mượn xe máy người quen mua 40.000 đồng xăng đổ vào bình xăng và vào chai. Mai chạy xe đến phòng trọ của bà Cúc tại KP 1B, phường An Phú, TP. Thuận An.
Mai khóa trái cửa bên ngoài phòng trọ, đổ xăng vào khe cửa, châm lửa rồi tẩu thoát. Trong phòng trọ có vợ chồng bà Cúc và 3 trẻ em (con, cháu bà Cúc) nhưng may mắn được người dân ở trọ xung quanh dập lửa, giải cứu kịp thời.
Đến ngày 22/10/2023, Mai đến Cơ quan Công an đầu thú. Tại phiên toà, Mai khai nhận hành vi phạm tội, thể hiện sự ăn năn hối cải và được các bị hại xin giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi phiên toà kết thúc, Chánh án Trần Thanh Hoàng và lãnh đạo 23 TAND các tỉnh, thành phố theo dõi vụ án cùng họp rút kinh nghiệm; đánh giá ưu điểm trong công tác xét xử; kỹ năng xét hỏi, điều hành, tranh tụng của Thẩm phán chủ tọa, kiểm sát viên; kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý; rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật, về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên tòa.
Qua các ý kiến đánh giá cho thấy TAND tỉnh Bình Dương chọn vụ án đưa ra xét xử là phù hợp với mô hình rút kinh nghiệm, đáp ứng theo yên cầu cải cách tư pháp (có luật sư bào chữa, có tình tiết phải tranh luận, đối đáp…).
Từ khai mạc đến kết thúc phiên tòa, Thẩm phán Chủ tọa Hoàng Huy Toàn đã thể hiện kỹ năng điều hành, cho thấy vai trò quan trọng của Toà án là trung tâm của hoạt động xét xử, quyết định thành công của phiên tòa. Với giọng nói to, rõ ràng, xét hỏi đúng trọng tâm, Thẩm phán xử lý tình huống chính xác, thể hiện sự dày dạn kinh nghiệm.
Nhiều đại diện lãnh đạo các Tòa án tham gia phiên tòa trực tuyến nêu một số ý kiến thảo luận như quá trình xét hỏi có một số nội dung trùng lặp, Thẩm phán hỏi rất sâu trong khi trách nhiệm bảo vệ cáo trạng thuộc về kiểm sát viên…
Phát biểu tại buổi tổ chức rút kinh nghiệm, Chánh án Trần Thanh Hoàng cảm ơn lãnh đạo TAND cấp cao và lãnh đạo TAND 23 tỉnh, thành. Đây là một trong những phiên tòa đầu tiên được TAND tỉnh tổ chức hệ thống trực tuyến, đơn vị sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp thiết thực nhằm ngày càng hoàn thiện công tác tổ chức.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến là giải pháp đào tạo, tự đào tạo hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, phiên tòa trực tuyến tạo cơ chế giúp tổ chức, cá nhân thuận tiện tham gia tố tụng, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả, năng lực giải quyết, xét xử của toà án. Các phiên tòa trực tuyến phù hợp với xu hướng công nghệ là bước đi quan trọng để tiến tới xây dựng Toà án điện tử.