Mới đây, TAND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với VKSND v Cng an tỉnh tổ chức phiên to xét xử trực tuyến đối với bị cáo Dương Xuân Cương (SN 1975, trú tại Yên Lập, Phú Thọ, người dân tộc Mường) về tội “Tng trữ tiền giả”, với 2 điểm cầu, gồm: Điểm cầu trung tâm tại Hội trường xét xử TAND tỉnh v điểm cầu thnh phần l Trại tạm giam Cng an tỉnh.
Được biết, đây là phiên tòa xét xử đầu tiên được TAND tỉnh Phú Thọ phối hợp với VKSND và Công an tỉnh tổ chức các phiên tòa hình sự dưới hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 của Quốc hội.
Kết đắng của trai bản
Theo bản án sơ thẩm, lúc 19h ngày 6/11/2021, tại khu Đình Cả (xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lập phối hợp với công an xã Hưng Long kiểm tra đối với Dương Xuân Cương.
Quá trình kiểm tra phát hiện bên trong chiếc ví giả da màu đen của Cương có 1 đoạn ống nhựa màu trắng đục được hàn kín hai đầu, bên trong ống nhựa có chứa chất bột màu trắng và 4 tờ tiền polime mệnh giá 200.000 đồng. Cương khai nhận 4 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng trên là giả và tàng trữ để tiêu thụ, 1 đoạn ống nhựa màu trắng đục được hàn kín hai đầu, bên trong ống nhựa có chứa chất bột cục màu trắng là ma túy.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lập đã lập biên bản thu giữ và niêm phong số đồ vật trên và trưng cầu giám định theo quy định pháp luật.
Theo kết luận giám định, chất bột cục màu trắng bị thu giữ là ma túy, có khối lượng là 0,021 gram, loại Heroine; 4 tờ tiền polime Việt Nam đồng mệnh giá 200.000 đồng thu giữ được của Cương là giả.
Xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền điều tra của cấp mình nên CQĐT Công an huyện Yên Lập đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ để giải quyết theo thẩm quyền.
Tại CQĐT, Dương Xuân Cương khai nhận khoảng tháng 10/2021, Cương quen một người đàn ông tên là Thắng (khoảng 40 tuổi) và thỉnh thoảng mua ma túy của Thắng để sử dụng.
Trưa 6/11/2021, Cương đến địa phận xã Hưng Long (huyện Yên Lập) gặp Thắng để mua 1 gói ma túy với giá 200.000 đồng. Qua trò chuyện, Thắng nói cho Cương biết có chỗ bán tiền giả với giá 100.000 đồng tiền thật mua được 400.000 đồng tiền giả, nếu có nhu cầu tiêu thụ thì Thắng sẽ giới thiệu.
Vì muốn có tiền chi tiêu cá nhân nên Cương đồng ý. Cùng ngày, Cương chuẩn bị được 200.000 đồng tiền thật và được Thắng chở đi mua tiền giả. Cương đưa 200.000 đồng tiền thật cho một người đàn ông (không rõ mặt); và nhận lại 800.000 đồng tiền giả.
Sau khi mua được tiền giả, Thắng chở Cương đến một cửa hàng điện thoại tại khu Đình Cả (xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) với mục đích dùng tiền giả để mua điện thoại di động nhưng không mua được.
Khép lại phiên toà, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bị cáo Dương Xuân Cương mức án 3 năm tù theo đúng tội danh như đã nêu trên.
"Xét xử trực tuyến không chỉ của riêng Việt Nam mà của ngành Tòa án trên toàn thế giới"
Trao đổi về vấn đề lần đầu tiên đơn vị xét xử trực tuyến với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Vũ Anh Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “Việc xét xử trực tuyến là bước đầu để ngành Tòa án tiến hành chuyển đổi số, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử. Đây là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà của ngành Tòa án trên toàn thế giới”.
Ông Tuấn cho biết thêm, sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của TANDTC, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành một số nội dung, trong đó chú trọng đến xét xử trực tuyến và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng CNTT cho các cán bộ tòa án.
Ngoài ra, Tòa án còn tiến hành xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Ngoài nguồn kinh phí được TANDTC cấp, TAND tỉnh Phú Thọ cũng đã có Tờ trình gửi lên Tỉnh ủy, trao đổi với UBND tỉnh Phú Thọ để hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công cuộc chuyển đổi số của ngành.
Đặc biệt, TAND tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng như Viettel, Vinaphone để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cũng như lắp ráp các thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT tại tòa án, đặc biệt là giúp cho việc xét xử trực tuyến được hiệu quả.
Ngoài yếu tố đường truyền, đội ngũ nhân lực, cán bộ chuyên trách về CNTT là rất quan trọng. Đối với TAND tỉnh Phú Thọ, đội ngũ cán bộ CNTT còn rất hạn chế nhưng không vì thế mà chúng tôi không tiến hành xét xử trực tuyến, không tiến hành chuyển đổi số trong xu thế của quốc gia.
Hiện TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành công tác tập huấn, đặc biệt nâng cao tinh thần tự học công nghệ của các cán bộ.
Trước khi xét xử trực tuyến, TAND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch của 3 ngành, gồm Công an, VKS và Tòa án để đảm bảo hiệu quả trong công tác xét xử. Hiện TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử trực tuyến được 1 vụ án, trong tháng 4 và những tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục xét xử các vụ án theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, việc phối hợp giữa 3 ngành là điều rất quan trọng, có tính chất bắt buộc để các cơ quan tố tụng cùng thực hiện.
Tiếp tục trao đổi với phóng viên vấn đề này, Thẩm phán Tạ Văn Thành, người đầu tiên giữ vài trò chủ toạ, điều hành phiên toà xét xử trực tuyến trong vụ án “Lưu hành tiền giả” nêu trên cho biết: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tránh lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề dẫn giải bị cáo tới tòa, Thẩm phán cho biết trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị cách xa trụ sở của trại tạm giam, nên nếu xét xử trực tuyến sẽ đảm bảo được thời gian khai mạc và xét xử theo đúng thời gian mà Tòa án đề ra, đảm bảo an toàn cho người dẫn giải và cả bị cáo.
Hơn nữa, khi bị cáo không phải đứng trực diện với HĐXX, tâm lý của bị cáo sẽ tốt hơn, trả lời đúng trọng tâm vụ việc hơn và đúng tâm trạng của bị cáo hơn.
Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến đối với TAND tỉnh Phú Thọ hiện nay vẫn còn một số hạn chế khi Tòa án cần nhiều thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất. Đặc biệt, nếu đường truyền trực tuyến không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc xét hỏi cũng như tranh tụng tại phiên tòa.
Xét xử trực tuyến phù hợp nhất với các vụ án như thế nào? Những phiên tòa nên xét xử trực tuyến là những vụ án mà bị cáo đang bị tạm giam tại trại tạm giam của công an. Các vụ án có số người tham gia tố tụng không nhiều sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo cho tất cả những người tham gia tố tụng.
Trước đó, giữa tháng 7/2021, Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
Tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2022 được diễn ra hồi đầu năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, tòa án có một số ứng dụng về CNTT theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu trong điều kiện COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, nhiều phiên tòa phải tạm hoãn.