Vượt kh để tổ chức thực hiện thnh cng các phiên ta trực tuyến, l nỗ lực của cả hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình, để thúc đẩy quá trình giải quyết các vụ án đúng hạn luật định, đặc biệt l trong hon cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Thẩm phán Nguyễn Hữu Tuyến – Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình về những nội dung liên quan đến việc Tòa án triển khai tổ chức các phiên Tòa trực tuyến.
PV: Hằng năm, đơn vị thụ lý và giải quyết các vụ án với số lượng lớn vì vậy giải quyết đảm bảo về thời hạn xét xử gặp nhiều khó khăn. Việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là giải pháp phù hợp đảm bảo việc giải quyết án kịp thời. Chánh án có chia sẻ gì về việc này thưa ông?
Chánh án Nguyễn Hữu Tuyến: Trong bối cảnh nhiều chức năng, nhiệm vụ mới được giao cho các Tòa án, cùng với số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết năm sau cao hơn năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, các yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao; đồng thời, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, nhà nước về tổ chức, tinh giản biên chế đã gây áp lực không nhỏ cho các Tòa án trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/8/2022, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã thụ lý 5.294 vụ việc, đã giải quyết được 4.714 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,04%. Năm 2010, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình có 48 Thẩm phán, bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 37,7 vụ/năm. Đến năm 2021 có 42 Thẩm phán nên các Thẩm phán phải giải quyết lượng án tăng gấp đôi, bình quân 74,6 vụ/năm. Ngoài ra trong 02 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch do đó việc giải quyết, xét xử gặp nhiều khó khăn.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đây là một chủ trương lớn của Quốc hội và của TANDTC nhằm xây dựng Tòa án điện tử, góp phần quan trọng vào thành công của Chiến lược cải cách tư pháp. Mặt khác, xét xử trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự và chính quyền địa phương trong việc tham gia phiên tòa đối với các vụ án dân sự, hành chính được nhanh chóng; đồng thời hạn chế tối đa sự tốn kém về thời gian, chi phí đi lại cho các đương sự và chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh nếu dịch bệnh Covid-19 bùng phát không thể tổ chức xét xử được thì việc xét xử trực tuyến sẽ là giải pháp phù hợp đảm bảo việc giải quyết án được kịp thời.
PV: Đến nay, TAND tỉnh Quảng Bình đã xét xử được bao nhiêu vụ án bằng hình thức trực tuyến. Theo ông, việc tổ chức xét xử trực tuyến như thế này phù hợp với các loại án nào?
Chánh án Nguyễn Hữu Tuyến: Tính đến ngày 31/8/2022, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức xét xử được 41 phiên tòa trực tuyến, trong đó TAND tỉnh tổ chức được 10 phiên tòa, TAND cấp huyện tổ chức được 16 phiên tòa; tổ chức xét xử từ điểm cầu TAND tỉnh với điểm cầu TAND cấp cao tại Đà Nẵng phiên tòa. Đến ngày 30/9/2022, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bỉnh sẽ tổ chức xét xử thêm 10 phiên tòa trực tuyến tại TAND tỉnh và các TAND cấp huyện, trong đó tăng cường tổ chức xét xử trực tuyến các vụ án dân sự và hành chính.
Việc tổ chức xét xử trực tuyến như thế này rất phù hợp nhất là đối với các loại án hình sự có bị cáo phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng đang bị tạm giam tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ có khoảng cách xa về địa lý so với Tòa án tổ chức xét xử; Các vụ án hành chính có bị đơn là Chủ tịch UBND các cấp.
PV: Chánh án nhận thấy cách xét xử này có những ưu và nhược điểm gì thưa ông?
Chánh án Nguyễn Hữu Tuyến: Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, việc giao tiếp giữa hội đồng xét xử tại điểm cầu trung tâm với bị cáo, nguyên đơn, bị đơn tại các điểm cầu thành phần đều diễn ra bình thường như khi xét xử trực tiếp.
Xét xử trực tuyến sẽ giảm bớt chi phí đi lại cho Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong việc trích xuất, dẫn giải bị cáo về địa điểm xét xử; giảm số lượng cán bộ chiến sĩ đến bảo vệ phiên tòa tại Tòa án, đặc biệt đối với các vụ án lớn, trọng điểm.
Đối với các vụ án dân sự và hành chính, việc xét xử trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự và chính quyền địa phương không cần phải đến trực tiếp tại Tòa án mà có thể ngồi dự phiên tòa tại điểm cầu thành phần được bố trí tại UBND cấp huyện, cấp xã hoặc Tòa án nơi có đương sự đang cư trú, đồng thời hạn chế tối đa sự tốn kém về thời gian, chi phí đi lại cho các đương sự và chính quyền địa phương.
Ngoài ra trong bối cảnh nếu dịch bệnh Covid-19 bùng phát mà không thể tổ chức xét xử được thì việc xét xử trực tuyến sẽ là giải pháp phù hợp đảm bảo việc giải quyết án được kịp thời mà không phải tập trung đến Tòa án, hạn chế việc lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh những thuận lợi thì cũng có những khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của phiên Tòa đó là: tại các điểm cầu thành phần còn phải cử thêm Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án có mặt trong khi cán bộ ít; cán bộ kỹ thuật chưa được đào tạo hệ thống, đầy đủ. Đối với các vụ án hình sự nếu một số Nhà tạm giữ đặt sát cạnh trụ sở Tòa án mà vẫn tổ chức xét xử trực tuyến thì không hợp lý vì chi phí lắp đặt thiết bị cho hai điểm cầu là khá cao.
Một số vụ án hình sự sơ thẩm, do xét xử trực tuyến nên người tham dự phiên tòa sẽ không đến tham dự nên khi Hội đồng xét xử phân tích một số nội dung liên quan đến hành vi của các bị cáo nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung cho xã hội thì người tham dự phiên tòa không được nghe nên phần nào hạn chế về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân.
Chi phí đầu tư cho các phòng xét xử là rất lớn nếu không tính toán một cách khoa học và hợp lý để phát huy hết công năng của các thiết bị xét xử trực tuyến thì sẽ gây tốn kém và lãng phí.
PV: Thưa Chánh án, để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt. Chánh án có ý kiến đánh giá gì về việc này? Và TAND tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch gì cho việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT để phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số?
Chánh án Nguyễn Hữu Tuyến: Xét xử trực tuyến hiệu quả, yếu tố đường truyền cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt, về vấn đề này theo tôi là rất đúng vì để xét xử trực tuyến được thành công thì ngoài các trang thiết bị phần cứng về CNTT thì đường truyền mạng là đặc biệt quan trọng, nó không chỉ là cầu nối giữa các điểm cầu với nhau mà còn liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng trong quá trình xét xử. Do đó yêu cầu khi xét xử trực tuyến cần có một hệ thống đường truyền tốc độ cao riêng biệt có độ ổn định và bảo mật để phục vụ xét xử trực tuyến.
Ngoài ra để vận hành tốt hệ thống xét xử trực tuyến, các Tòa án cần có đội ngũ nhân lực CNTT có kỹ năng và kinh ngiệm trong lĩnh vực này, cần phải tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng lắp đặt vận hành hệ thống xét xử trực tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CNTT trong hệ thống Tòa án.
Hiện nay, TAND tỉnh Quảng Bình có 02 đồng chí là cán bộ CNTT, kiêm nhiệm công việc Thư ký Tòa án để phục vụ các công tác liên quan đến xét xử nên thời gian để tập trung cho công tác ứng dụng CNTT tại Tòa án còn hạn chế vì phải tập trung làm nhiều công việc khác. Do đó, để có đội ngũ nhân viên CNTT tại các Tòa án có trình độ và năng lực chuyên môn giỏi phục vụ cho quá trình chuyển đổi số theo tôi cần phải tuyển dụng thêm cán bộ CNTT chuyên trách bổ sung cho các Tòa án, đồng thời có chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ tốt đối với đối tượng này để họ yên tâm công tác vì hiện nay chế độ lương đối với Chuyên viên CNTT tại Tòa án là rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
PV: Việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Chánh án có chia sẻ gì về nhận định này thưa ông?
Chánh án Nguyễn Hữu Tuyến: Việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số, tôi nhất trí với nhận định này.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến và coi đây là xu thế tất yếu. Ở nước ta, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến không trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời hạn luật định. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
Ngoài ra, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án, vừa góp phần khắc phục tình trạng án tồn đọng, vừa phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội và cũng phù hợp với xu thế quốc tế, tình hình, bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, đây là phương thức tố tụng mới trên nền tảng số nên cần thực hiện thí điểm, triển khai trên từng địa bàn, đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại để bảo đảm chất lượng phiên tòa, nhất là ở cấp huyện, thị xã. Đồng thời nên tổ chức các phiên tòa trực tuyến có tính chất đơn giản, có chứng cứ, tài liệu rõ ràng và vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
PV: Hiện nay, TAND tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của Tòa án thưa Chánh án?
Chánh án Nguyễn Hữu Tuyến: Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số của Tòa án, TAND tỉnh Quảng Bình đã tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt hoạt động của Tòa án, cụ thể:
Tổ chức xét xử trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
TAND tỉnh Quảng Bình đang quản lý, khai thác và sử dụng Trang thông tin điện tử để đăng tải các Thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin, thông báo chỉ đạo điều hành các hoạt động của TANDTC và TAND tỉnh; triển khai hoạt động dịch vụ công trực tuyến như công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, đăng ký cấp sao trích lục bản án trực tuyến, nộp đơn và tra cứu kết quả giải quyết đơn trực tuyến, thông báo tống đạt các văn bản tố tụng…
Đơn vị đã ứng dụng “Chữ ký điện tử” để thực hiện việc ký số và gửi văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm văn bản điều hành của TANDTC và của UBND tỉnh Quảng Bình nhằm hiện đại hóa công tác hành chính, thay thế phương pháp trao đổi văn bản truyền thống, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, từng bước tạo môi trường làm việc điện tử, hiện đại, minh bạch, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí, thời gian gửi nhận văn bản, thúc đẩy cải cách hành chính tại Tòa án.
Hiện tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đang khai thác sử dụng nhiều phần mềm nghiệp vụ để phục vụ công tác Tòa án như: phần mềm thống kê các loại vụ án, phần mềm công bố bản án quyết định có hiệu lực pháp luật lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, phần mềm hệ thống giám sát hoạt động Tòa án, phần mềm nội bộ số hóa hồ sơ các loại vụ án, phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm thi đua khen thưởng, phần mềm quán lý tài sản, phần mềm Trợ lý ảo dùng cho Thẩm phán khai thác kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ…
TAND tỉnh và 08 đơn vị TAND cấp huyện đang vận hành sử dụng Hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến để tổ chức các cuộc họp trực tuyến, tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến giữa TANDTC với TAND tỉnh, TAND cấp huyện.
PV: Xin cảm ơn Chánh án về cuộc trò chuyện!
Tin tưởng rằng, với những ứng dụng CNTT mà TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đang triển khai nói trên cùng sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ đơn vị TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, trong thời gian tới TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Qua đó vừa góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; vừa góp phần thúc đẩy quá trình “Chuyển đổi số”, xây dựng “Tòa án điện tử” của hệ thống TAND trong thời gian đến.
Một số hình ảnh phiên Tòa xét xử trực tuyến của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình: