TAND tỉnh Quảng Trị lun chú trong, coi việc tăng cường ứng dụng cng nghệ thng tin l một trong những nhiệm vụ hng đầu hỗ trợ tích cực cng tác xét xử án hình sự, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Theo đồng chí Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, tình hình tội phạm hình sự tại tỉnh Quảng Trị tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng tăng hơn năm trước. Trong khi đó, Tòa Hình sự TAND tỉnh Quảng Trị chỉ có 1 Thẩm phán đồng thời là Chánh tòa.
Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án
Năm 2021, TAND tỉnh Quảng Trị đã thụ lý 102 vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết 91,2%, chất lượng xét xử có sự tiến bộ; không có án bị hủy do lỗi chủ quan; đã tuyên tử hình 2 bị cáo, tù chung thân 7 bị cáo, tù từ 10 đến 20 năm 20 bị cáo; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung do bỏ lọt đồng phạm 1 vụ, vi phạm thủ tục tố tụng 3 vụ đều được chấp nhận.
Ngoài ra, TAND tỉnh Quảng Trị còn trao đổi nghiệp vụ để các tòa án cấp huyện xét xử kịp thời, đúng pháp luật nhiều vụ án hình sự phức tạp, trong đó có trường hợp cương quyết trả hồ sơ nhiều lần dẫn đến cơ quan điều tra phải đình chỉ do chưa đủ chứng cứ buộc tội hoặc phải truy tố tội danh khác.
Bên cạnh nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, TAND tỉnh đã áp dụng công nghệ thông tin vào xét xử án hình sự, đảm bảo việc giải quyết án nhanh chóng, khoa học và chính xác. Công tác truyền thông bằng công nghệ góp phần tích cực cho tuyên truyền pháp luật hình sự nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động phạm tội.
Thông qua kết quả đánh giá phong trào thi đua năm 2021, có thể thấy một số kết quả nổi bật trong xét xử án hình sự tại TAND tỉnh Quảng Trị như:
Về nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo hiệu lực bản án hình sự: Tất cả các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, theo tinh thần cải cách tư pháp, mở rộng tranh tụng; phán quyết của HĐXX dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, thể hiện sự dân chủ, khách quan, đảm bảo quyền con người; đáp ứng yêu cầu chính trị và tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan tố tụng, tháo gỡ vướng mắc trong điều tra, truy tố và xét xử.
Lựa chọn, phân công án ngẫu nhiên đảm bảo công bằng và cân bằng cường độ lao động của các Thẩm phán. Đối với một số vụ án trọng điểm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp sẽ lựa chọn Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, phối hợp cùng Điều tra viên và Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ, thu thập bổ sung chứng cứ tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Qua đó, giúp Thẩm phán có điều kiện củng cố hồ sơ chặt chẽ, nắm chắc nội dung vụ án và hạn chế trả hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án. Tăng cường phối hợp giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán theo nguyên tắc tố tụng và quy chế phối hợp.
Tích cực trao đổi, tranh thủ trí tuệ tập thể đối với các vụ án khó trong đánh giá chứng cứ và xác định tội danh. Công tác chuẩn bị phiên tòa kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh, an toàn; thông tin tuyên truyền được chú trọng, mọi diễn biến về phiên tòa đều được truyền tải kịp thời đến nhân dân.
Cương quyết bảo vệ quan điểm, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Điển hình như vụ Nguyễn Thị Lan Hương, TAND tỉnh Quảng Trị đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu khởi tố thêm bị can Võ Lê Long. Kết quả, cơ quan điều tra đã chấp nhận khởi tố, truy tố bổ sung. TAND tỉnh đã xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lan Hương hình phạt tù chung thân và Võ Lê Long năm tù; Vụ án hai bị cáo quốc tịch Nigiêria phạm tội về ma túy có mức hình phạt đến tử hình. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thiếu tài liệu thể hiện chính xác về nhân thân bị cáo. Đơn vị đã trả hồ sơ yêu cầu bổ sung lý lịch bị can. Kết quả đã thu thập được chứng cứ từ Đại sứ quán Nigiêria xác định đúng lý lịch bị can. Đây là một trong những sai sót hay gặp phải khi xét xử đối với bị cáo là người nước ngoài.
Các bản án của TAND tỉnh Quảng Trị đã áp dụng đúng pháp luật. Theo nguyên tắc nghiêm trị đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng, giảm nhẹ đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả gây ra, thể hiện được tính nhân văn sâu sắc, được dư luận đồng tình.
Chỉ đạo các đơn vị toà án cấp huyện trong việc đề cao trách nhiệm tránh oan sai, xét xử đúng tội danh.
Như vụ Ngô Thế Thanh, Ngô Thế Sang là Chủ tịch UBND và Công chức địa chính xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; mặc dù đã 2 lần Viện kiểm sát truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng qua các phiên tòa, HĐXX đã cương quyết trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở buộc tội. Vụ án này hiện nay đã được cơ quan điều tra cấp huyện đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS. Vụ Phan Ngọc Khoa ở huyện Triệu Phong. Ban đầu cơ quan điều tra khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, TAND tỉnh đã trao đổi, hướng dẫn xác định lại tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, vụ án đã được xét xử, đến nay bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Phối hợp với cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh để thi hành các vụ án đảm bảo tính hiệu lực của bản án hình sự. Đồng thời, quán triệt Thẩm phán giữ quan điểm, bản lĩnh, kiên quyết xét xử các vụ án đúng pháp luật, nghiêm minh. Lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Trị quán triệt các Thẩm phán nêu cao trách nhiệm, cương quyết đấu tranh với tội phạm. Như vụ Trần Minh, pham tội: “Vận chuyển hàng cấm”, TAND tỉnh xử 4 năm tù, Tòa án cấp cao chuyển sang 3 năm tù treo, TANDTC đã xử giám đốc thẩm tuyên hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm; vụ Lê Minh Tuấn, cấp sơ thẩm xử tù chung thân, về tội: “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, cấp phúc thẩm sửa tội danh sang “Tàng trữ trái phép chất ma túy” chuyển hình phạt xuống 20 năm tù. Quyết định giám đốc thẩm của TANNDTC đã hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt.
Áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết án hình sự
Cũng theo Chánh án Lê Hồng Quang , TAND tỉnh Quảng Trị xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hỗ trợ tích cực công tác xét xử án hình sự.
Năm 2021, TAND tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn việc ứng dụng CNTT vào quản lý và giải quyết án hình sự làm mũi đột phá. Trên cơ sở hệ thống truyền hình phiên tòa trực tuyến gồm 1 điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh và 9 điểm cầu tại các TAND cấp huyện, kết nối chia sẻ đến Viện Kiểm sát (VKS) tỉnh và 9 VKS cấp huyện, đồng thời kết nối đến Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
Hệ thống truyền hình phiên tòa trực tuyến đặc biệt hữu ích trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của TAND tỉnh và VKS hai cấp. Có thể kể đến các phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Thị Lan Hương và Võ Lê Long “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức hình phạt lần lượt là “Chung thân” và “ năm tù”, vụ Trần Thị Nhàn “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và vụ Xangthong Buoilavan “Mua bán trái phép chất ma túy” đều với mức hình phạt “Chung thân”.
TAND tỉnh cũng đã kịp thời ứng dụng các phần mềm truyền hình trực tiếp lên mạng xã hội để tuyên tuyền phiên tòa xét xử vụ án trọng điểm đối với bị cáo Hồ Văn Hỏa, phạm tội: “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, bị xử phạt tù chung thân. Diễn biến của phiên tòa đã có hơn 250 ngàn lượt người xem, báo cáo công tác Nội chính của tỉnh đánh giá cao về hoạt động này.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn hạn chế tập trung đông người, phát huy hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Phương pháp này đã truyền thông hiệu quả, lan tỏa rộng rãi hoạt động xét xử và đấu tranh phòng chống tội phạm, phù hợp xu thế của cải cách tư pháp, hội nhập thời kỳ công nghiệp 4.0.
Việc quản lý án hình sự bằng CNTT đã được triển khai bằng những việc làm cụ thể như: Thụ lý án được cập nhật bằng CNTT trên hệ thống, bắt đầu từ Tổ một cửa thông suốt đến Lãnh đạo và các Thẩm phán; hệ thống theo dõi ngày thụ lý và thời hạn, kết quả giải quyết. Hằng tuần, Lãnh đạo và các Thẩm phán đăng nhập vào hệ thống sẽ biết được thông tin thụ lý, phân công, tiến độ và kết quả xét xử. Việc làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt cho công tác quản lý, theo dõi của Lãnh đạo và theo dõi chéo giữa các Thẩm phán trong xét xử án hình sự.
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, TAND tỉnh đã thực hiện số hoá hồ sơ vụ án hình sự giúp quá trình nghiên cứu vụ án, nếu thấy có trường hợp bị cáo có biểu hiện chối tội hay quá trình thu thập tài liệu chứng cứ còn có sai sót, mâu thuẫn thì Thẩm phán chuẩn bị Scan tài liệu, chứng cứ. Tại phiên tòa sử dụng máy chiếu để công bố các vấn đề còn mâu thuẫn hoặc chưa rõ. Như phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Lan Hương, vụ Trần Thị Nhàn, vụ Phạm Đức Sỹ, vụ LiepLatSaVong; Việc công bố hình ảnh tài liệu, chứng cứ đã giúp cho HĐXX đánh giá khách quan, toàn diện đồng thời tăng cường tính dân chủ, công khai trong tranh tụng, tháo gỡ khó khăn do bất đồng ngôn ngữ trong xét xử.
Bên cạnh kết quả đạt được trong nâng cao chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử án hình sự, vẫn còn một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị chưa đầy đủ, phòng xét xử, âm thanh chưa đáp ứng được yêu cầu để tổ chức những phiên tòa lớn, đông người tham gia tố tụng; các trang thiết bị phục vụ cho cho công tác an ninh, hệ thống máy tính, thiết bị trình chiếu, ghi hình, ghi âm phiên tòa đang được tận dụng từ các nguồn khác,... Mô hình bàn ghế xét xử khang trang nhưng phòng xét xử lại nhỏ hẹp không chứa hết người tham gia tố tụng đối với những vụ án có đông bị cáo và đương sự. Cần có việc kết nối truyền hình với các phòng xét xử khác để bố trí cho những người này dự phiên tòa và truyền hình ra ngoài phòng xử án cho nhân dân theo dõi phiên tòa.
Thực tế tại TAND tỉnh Quảng Trị hiện biên chế Thẩm phán còn thiếu, chỉ có 9 Thẩm phán, mỗi Tòa chuyên chuyên trách chỉ có 1 Thẩm phán nên hoạt động xét xử, tham mưu lĩnh vực hình sự, phối hợp liên nghành còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nhân lực thực hiện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử đang phát triển theo xu thế của xã hội: Các văn bản pháp luật tố tụng chưa quy định việc sử dụng hình ảnh, âm thanh trong tố tụng; các quyền, nghĩa vụ về sử dụng âm thanh, hình ảnh, chữ ký tố tụng điện tử và các giá trị pháp lý của các hoạt động tố tụng thông qua công nghệ thông tin chưa được quy định.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong hệ thống tòa án còn thiếu và yếu, chế độ thu hút người tài vào hoạt động xét xử, hoạt động công nghệ chưa có gì đặc biệt. Nếu không kịp thời khắc phục, chúng ta sẽ lỡ bước trong công cuộc phát triển công nghệ 4.0 và dừng chân trước tiến bộ của xã hội.
TAND tỉnh Quảng Trị mong rằng, sắp tới với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo TANDTC, các cấp ủy địa phương, sự phấn đấu của công chức, người lao động, đơn vị sẽ dần khắc phục được khó khăn, phát triển cùng xu hướng chung của thời đại.