Năm 2023, với sự nỗ lực và cố gắng, TAND TP. Hà Nội đã xét xử thành công các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của ngành trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Trong năm 2023, TAND TP. Hà Nội đã giải quyết được 1.791 vụ (3.649 bị cáo)/1.858 vụ (4.063 bị cáo), đạt tỷ lệ 96,4%. Tòa án hai cấp TP. Hà Nội còn đưa ra xét xử trực tuyến được hơn 1.000 vụ án các loại, trong đó hầu hết là án hình sự.
Các vụ án hình sự khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tin tưởng và giao TAND TP. Hà Nội giải quyết 12 vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện theo dõi. Với sự nỗ lực và cố gắng, đơn vị phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử nghiêm minh 11 vụ, còn 01 vụ mới thụ lý đầu tháng 10/2023. Trong đó nhiều vụ án chỉ thụ lý sau hơn 1 tháng đã đưa ra xét xử nhưng vẫn đảm bảo áp dụng dúng pháp luật.
Các vụ án hình sự được giao đều là những vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, giải quyết trách nhiệm dân sự và các khoản thu lời bất chính lớn liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức nhưng lại yêu cầu phải xét xử nhanh, đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo giao.
Điển hình như vụ: Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các 35 bị cáo bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án thụ lý sau 26 ngày đã đưa ra xét xử. Và đã xét xử vắng mặt 8 bị cáo từ khi khởi tố vụ án trong tổng số 36 bị cáo.
Đây là vụ án điển hình về giải quyết nhanh nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên xét xử vắng mặt các bị cáo từ khi khởi tố vụ án.
Tòa án Hà Nội đã cho các luật sư, thân nhân bị cáo trong vụ án được quyền kháng cáo thay để bảo đảm quyền của bị cáo vắng mặt. Vụ án đã được Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao.
Hay vụ án Phạm Trung Kiên và 53 bị cáo khác, gọi tắt là đại án “chuyến bay giải cứu”, phạm các tội “Môi giới hối lộ", “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án cũng được quyết định đưa ra xét xử sau 1 tháng 26 ngày.
Mặc dù chứng cứ kết tội các bị cáo hầu hết là chứng cứ gián tiếp, có nhiều hành vi phạm tội kéo dài, đan xen với nhau, nhiều bị cáo khai báo không thành khẩn, nhưng căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án đã xử phạt nghiêm minh các bị cáo mà không phụ thuộc vào quan điểm đề nghị của VKS, nên có trường hợp VKS đề nghị tử hình nhưng Tòa án đã xử phạt chung thân, có nhiều trường hợp VKS đề nghị từ 18 đến 20 năm tù nhưng Tòa án đã xử phạt tù chung thân.
Đại án ‘chuyến bay giải cứu” đã kết thúc với bản án nghiêm minh dành cho các bị cáo. Đại án với đa số các bị cáo là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước. Kết quả phiên tòa nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Ngoài ra, vụ án được coi là điển hình về tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Trong năm 20, được sự tin tưởng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TAND TP. Hà Nội tiếp tục được giao nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn khác, như vụ:
Phan Quốc Việt và 37 bị cáo khác, gọi tắt là vụ “Việt Á” (đã thụ lý), bị truy tố về các tội “Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Đây là vụ án không những phức tạp nhạy cảm về chính trị có nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương khác mà còn phức tạp cả về giải quyết trách nhiệm dân sự và biện pháp tư pháp; vì có nhiều khoản tiền thu lời bất chính được đề nghị giải quyết trong vụ án này, nhưng bị can, bị cáo lại được tách ra về nhiều địa phương khác để điều tra, truy tố, xét xử.
Hay sắp tới vụ án lừa đảo trái phiếu tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và lừa đảo cổ phiếu tại Tập đoàn FLC. Tuy số lượng bị can bị khởi tố không nhiều nhưng số lượng bị hại lên đến trên 6.000 người trên phạm vi toàn quốc. Trong khi trụ sở của Tòa án TP. Hà Nội vừa đưa vào sử dụng, tuy có Hội trường xét xử với sức chứa trên 500 người nhưng vẫn không đáp ứng được số lượng bị hại của các vụ án nêu trên. Đây cũng là một khó khăn rất lớn đối với TAND TP. Hà Nội.
Có thể thấy, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn mà TAND TP. Hà Nội đã giải quyết đều được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TANDTC đánh giá cao; được dư luận xã hội trong và ngoài nước đồng tình.