Tiêu điểm

TANDTC đề xuất đưa Hội nghị chủ nợ vào dự thảo Luật Phá sản sửa đổi

Nguyễn Cúc 21/08/20 - 16:56

Tại dự thảo Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2014, TANDTC cho rằng, hiện nay chưa có quy định hoặc hướng dẫn về việc tổ chức Hội nghị chủ nợ, Tòa án đang gặp khó khăn trong việc xác định tổ chức Hội nghị chủ nợ bao nhiêu lần thì đủ điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo.

Theo TANDTC, thực tế cho thấy, mỗi vụ việc phá sản có quy mô Hội nghị chủ nợ khác nhau, với các thành phần tham dự khác nhau.

Việc tổ chức thực hiện Hội nghị do Tòa án phối hợp với Quản tài viên (QTV), doanh nghiệp quản lý (DNQL), thanh lý tài sản (TLTS) để bố trí không gian, thời gian, địa điểm, vị trí chỗ ngồi phù hợp tình hình thực tế, cũng như đảm bảo an toàn, an ninh cho buổi diễn ra Hội nghị.

hncn.jpg
TANDTC đề xuất đưa Hội nghị chủ nợ vào dự thảo Luật Phá sản sửa đổi.

Luật Phá sản 2014 cũng chưa có quy định cụ thể về số lần tổ chức Hội nghị chủ nợ, số lần tổ chức Hội nghị không thành công, nên Tòa án gặp khó khăn trong việc xác định tổ chức Hội nghị chủ nợ bao nhiêu lần thì đủ điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo.

Về quyền tham gia Hội nghị chủ nợ, bởi lẽ, đối với các vụ án được nhập vào vụ việc phá sản phải được giải quyết thì mới có thể xác định được tài sản, số nợ, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ.

Theo Điều 16 Luật Phá sản 2014, việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản và lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ là quyền, nghĩa vụ của QTV, DNQL, TLTS.

Thẩm phán chỉ được giám sát hoạt động của QTV, DNQL, TLTS theo khoản 4 Điều 9 Luật Phá sản 2014.

Nếu Thẩm phán giải quyết sẽ không đúng với nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 9, Điều 16 Luật Phá sản 2014 quy định. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết thì QTV và người liên quan khác có quyền đề nghị xem xét lại, kháng nghị hay không?

Điều 77 Luật Phá sản 2014 quy định chưa đầy đủ về những người có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ. Trên thực tế, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan trong giải quyết phá sản DN, HTX không được tham gia Hội nghị chủ nợ cũng dẫn tới ảnh hưởng quyền, lợi ích của họ; người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan không có quyền biểu quyết trong Hội nghị chủ nợ, nhưng cần được biết thông tin để bảo vệ quyền, lợi ích của mình.

Về sự vắng mặt của người đại diện theo pháp luật của DN, HTX mất khả năng trong Hội nghị chủ nợ, Quy định tại Điều 78 Luật Phá sản 2014 về trường hợp người đại diện theo pháp luật của DN, HTX mất khả năng thanh toán cố ý vắng mặt không có lý do chính đáng thì QTV, DNQL, TLTS có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật khó thực hiện vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong trường hợp này, Hội nghị chủ nợ có được tiến hành không?

Trường hợp tiến hành Hội nghị chủ nợ thì các vấn đề liên quan tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do ai trình bày trước Hội nghị? Bởi lẽ trường hợp này không được quy định trong điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ để xem xét hoãn Hội nghị chủ nợ.

Về nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, đề nghị, kiến nghị xem xét lại và giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ Khoản 1 Điều 79 Luật Phá sản 2014, quy định điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ là “có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm”.

Tòa án đã triệu tập Hội nghị chủ nợ, số chủ nợ tham gia đạt 51% tổng số nợ không có bảo đảm nên Hội nghị chủ nợ được tiến hành.

Tại Hội nghị chủ nợ, tất cả các chủ nợ tham gia đều thống nhất ra Nghị quyết tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 81 Luật Phá sản 2014 thì Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.

Do số chủ nợ có mặt tại Hội nghị không đủ 65% tổng số nợ không bảo đảm nên trên thực tế có những vụ án phá sản không thể thông qua Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp.

Mặt khác, quy định chỉ có chủ nợ có số nợ không có bảo đảm mới có quyền biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ sẽ dẫn đến trường hợp sau khi xử lý tài sản bảo đảm, tài sản không đủ để thanh toán khoản nợ thì chủ nợ có bảo đảm sẽ trở thành chủ nợ không có bảo đảm với số tiền chưa được thanh toán. Lúc đó, quyền lợi của chủ nợ này, cụ thể là quyền biểu quyết tại Hội nghị chủ nợ đã không được đảm bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC đề xuất đưa Hội nghị chủ nợ vo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi