Ngày 25/8, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn hệ thống TAND với chuyên đề “Tiền điện tử”. Hội nghị do các chuyên gia tội phạm mạng, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; các Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam... Hội nghị còn được truyền trực tuyến tại các điểm cầu của Vụ công tác phía Nam, Tòa án quân sự các cấp, Học viện Tòa án.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết, trong thời gian qua, việc đấu tranh xử lý với loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, trong đó liên quan đến tiền điện tử gặp rất nhiều khó khăn, thách thức cho điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán. Vì vậy, việc cập nhật và trau dồi kiến thức mới nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ xét xử là hết sức cần thiết.
Theo Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, tiền điện tử là lĩnh vực rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền điện tử là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện nay, có quốc gia cho phép tiền điện tử, có quốc gia hoàn toàn cấm tiền điện tử, nhưng có quốc gia không cấm nhưng cũng không thừa nhận.
Cũng theo Phó Chánh án Thường trực, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng và đầy đủ để điều chỉnh các quan hệ phát sinh đối với tiền điện tử nên gặp khó trong việc áp dụng pháp luật để xử lý vụ án. Mặc dù, hệ thống pháp luật có khác nhau nhưng việc học hỏi, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong công tác xét xử của mình góp phần bảo vệ tốt hơn nữa các quyền và lợi ích của người dân, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đặc biệt cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam như hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu trung tâm và tại gần 800 điểm cầu TAND trên cả nước đã được nghe ông Scott Bradford, chuyên gia tội phạm mạng, cố vấn luật sư về Sở hữu trí tuệ và các vấn đề về xâm nhập máy tính quốc tế cho khu vực Đông Nam Á, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và ông Samuel Tuett, Điều phối viên Chương trình, Cục phòng chống tội phạm ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về tiền điện tử, với nội dung như: Hệ sinh thái, cách mã hóa tiền điện tử, việc thu giữ tiền điện tử và cách thức hoạt động của tội phạm ở lĩnh vực tiền điện tử…
Theo ông Scott Bradford, lý do "chúng ta" quan tâm tới tài sản điện tử là vì: Vốn hóa thị trường tiền mã hóa lên tới hàng nghìn tỷ; Trở thành trào lưu và phát triển nhanh chóng: Liên quan tới tội phạm xuyên quốc gia; Đối với chính phủ các nước, tài sản ảo có thể đưa tới việc phân tích thị trường nhanh chóng hơn và bắt giữ nhiều vụ, nhiều đối tượng hơn, đưa ra được nhiều cáo trạng hơn...
Hội nghị tập huấn còn cung cấp cho các đại biểu nhiều kiến thức về phương thức hoạt động của loại tội phạm về đồng tiền số, một số các ví dụ về cách điều tra, bắt giữ tội phạm của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ); được chuyên gia tội phạm mạng của Hoa Kỳ trả lời các câu hỏi, cũng như cũng chỉ ra các phương pháp ứng phó.
Theo báo cáo phân tích chuỗi (Chainalysis) của Việt Nam mà ông Scott Bradford cung cấp tại hội nghị: Tổng giá trị Việt Nam thu được trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến 10/2022 là 90,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đứng đầu về chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu (Global Adoption Index), và với 90,8 tỷ đô la Mỹ nhận được, Việt Nam xếp hạng thứ tính theo giá trị chưa quy đổi.
Phân tích hoạt động truy cập web của Việt Nam: Tại Việt Nam, xét theo mức độ truy cập web thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất là sàn giao dịch có tên Binance.com. Lượt truy cập từ 1/10/2021 - 1/10/2022 là 41,96 triệu lượt. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.
Trong số nền tảng cung cấp dịch vụ đầu bảng, danh mục phổ biến nhất là sàn giao dịch với 10 nền tảng, tiếp theo là đánh bạc có 1 trong số nền tảng đầu bảng.