Chiều 2/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố, UBND cấp huyện, cấp xã trên cả nước.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT ở lứa tuổi học sinh
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, từ ngày /12/2022 đến ngày 14/10/2023, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người.
Tỷ lệ TNGT xảy ra từ khoảng thời gian 18-h, chiếm tỉ lệ cao nhất, chiếm 40,25%; từ 12-18h chiếm 31,61%; từ 6-12h chiếm 21,97%, và từ 0-6h chiếm 6,%.
TNGT ở lứa tuổi học sinh do nhiều nguyên nhân, gồm đi không đúng phần đường, làn đường quy định (chiếm 21,41%); không chú ý quan sát (19,39%); chuyển hướng không đúng quy định (11,77%); tránh, vượt không đúng quy định (7,06%); không nhường đường (4,71%); không giữ khoảng cách an toàn (3,36%); sử dụng rượu bia (2,69%); không chấp hành biển báo đường bộ (3,14%), đi bộ qua đường không đúng quy định (3,14%).
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe.
Đáng chú ý, trong 10 địa phương có tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cao nhất cả nước, có 8 địa phương là các tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: TPHCM, Tiền Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, và Bến Tre.
Nhiều giải pháp kiềm chế TNGT đối với học sinh
Về giải pháp giảm thiểu tình trạng TNGT cho học sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (GD&ĐT) nhấn mạnh báo cáo của Bộ Công an cho thấy, TNGT phần lớn liên quan đến phương tiện cá nhân và ý thức của học sinh. Vì vậy nhà trường cần có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em học sinh, trong khi đó gia đình và xã hội cũng đều có vai trò quan trọng vì nếu gia đình và xã hội chấp hành tốt quy định về ATGT thì sẽ hạn chế đáng kể vi phạm của các em học sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý, chính quyền địa phương cần tính đến việc đưa học sinh đến trường bằng phương tiện công cộng, nhất là ở các thành phố lớn, đồng thời xử lý nghiêm phụ huynh cho con em tự đi xe máy đến trường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, học sinh cần sự quan tâm của toàn xã hội vì đây là đối tượng ưu tiên, đòi hỏi phải có những biện pháp để bảo đảm an toàn hơn nữa cho học sinh, trong đó có việc phát huy vai trò của đoàn-đội, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tổ chức tốt giao thông từ cổng trường, nhất là những trường học được xây dựng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (TT&TT), Bộ đang tập trung rà soát để loại khỏi môi trường mạng những thông tin xấu độc trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ATGT.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian tới, TP tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT khu vực trường học tại 2 vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục ATGT cho học sinh; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường - phụ huynh, gia đình học sinh và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành quy định về ATGT; đối với các trường hợp vi phạm cần có hình thức quản lý, giáo dục phù hợp để tránh tái phạm.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp học sinh vi phạm về TT, ATGT. Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân giao xe mô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.
Tại TPHCM, Giám đốc Công an TP, Trung tướng Lê Hồng Nam cho hay, địa phương là một trong 10 đơn vị có số vụ TNGT cao nhất cả nước trong giai đoạn tháng 12/2022 - tháng 10/2023. Trước thực trạng trên, TP đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý mạnh, triệt để tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe trái phép, chạy xe gây rối trật tự công cộng. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật giao thông đường bộ nói riêng, tăng cường thực hiện pháp phòng ngừa xã hội, xem phòng ngừa xã hội là nền tảng phát huy sức mạnh và sự tham gia của hệ thống chính trị.
Tại tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban ATGT tỉnh dự, tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, chỉ đạo các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương cùng vào cuộc triển khai đồng bộ, rộng khắp công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời tỉnh đã triển khai Đề án ngăn chặn, đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 đến cán bộ làm công tác ATGT các huyện, thành phố và cán bộ kiêm nhiệm công tác ATGT của các xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội đoàn thể, các cơ quan, trường học.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền các cấp trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên cả nước. Với tinh thần sinh mệnh con người là vô giá, học sinh là tương lai của đất nước, để giảm các vụ TNGT liên quan đến học sinh, quan trọng nhất là mỗi người dân phải có ý thức về ATGT, trong đó có ATGT cho học sinh. Các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét đưa nội dung ATGT cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm ATGT cho học sinh.