Dự đoán trong năm 20, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cước tàu, tăng thời gian vận chuyển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và tăng các loại phụ phí.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong báo cáo mới nhất về tình hình giá dịch vụ vận chuyển hàng container đi châu Mỹ, châu Âu bằng đường biển vừa được Cục Hàng hải Việt Nam gửi Bộ GTVT.
Tại văn bản này, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải Việt Nam cho biết, ngay từ đầu tháng 1/20, Cục Hàng hải Việt Nam đã giao cho các Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu phối hợp với các Chi cục Hàng hải làm việc với các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ để đánh giá biến động tăng giá vận chuyển, tình hình vận tải, khả năng cung cấp nguồn cung tàu ra thị trường; đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo đúng quy định.
Các hãng tàu container cam kết thực hiện và tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2016 của Chính phủ quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển và giá dịch vụ tại cảng biển.
Các đại diện của các hãng tàu có trụ sở chính, chi nhánh tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng không có chức năng quyết định giá cước vận chuyển của hãng tàu. Các thay đổi về giá, phụ phí đều được cập nhật lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và các đối tượng khách hàng đều truy cập và tra được giá cước vận chuyển.
Về biến động giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container và phụ thu, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết từ tháng 1/20, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Mỹ/Canada tăng nhiều so với tháng 12/2023 tùy hãng và tùy tuyến.
Theo thống kê, giá cước vận chuyển sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873 - 2.950 USD/container vào tháng 1/20 (tăng thêm 55% - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 1/20 (tăng thêm 58% - 73%).
Riêng giá cước sang châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1/20, tăng hơn gấp đôi.
“Tuy nhiên, việc tăng giá cước này chỉ ảnh hưởng đối với nhóm khách hàng nhỏ, có lượng hàng không ổn định hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn (ký hợp đồng theo ngày) với đơn vị vận chuyển. Các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ… có lượng hàng ổn định (ký hợp đồng theo năm) hoặc đã ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển từ đầu năm sẽ ít bị ảnh hưởng”, Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.
Dẫn báo cáo của các hãng tàu, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tình hình vận tải ở thời điểm hiện tại tăng cao nhưng các hãng tàu tạm thời vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường bằng cách bổ sung thêm tàu, thay đổi tuyến của một số tàu, do đó chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt tàu, vỏ container như trong thời kỳ dịch Covid-19.
Tại khu vực Cái Mép, các hãng tàu vẫn đang tích cực tìm mọi giải pháp để duy trì các chuyến tàu tại khu vực không thay đổi và đang nỗ lực vận tải contaienr rỗng về Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu đóng hàng, vận chuyển.
Theo ý kiến của các hãng tàu giá cước vận chuyển hàng container đi tuyến châu Âu, châu Mỹ tăng cao trong thời gian qua do biến động của nền kinh tế, tình hình chính trị trên thế giới và theo quy luật cung cầu của thị trường dịp cuối năm.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kênh đào Panama, tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng từ khu vực Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, đang bị hạn hán nghiêm trọng, làm giảm khả năng thông thương tàu qua kênh đào.
Dự kiến trong giai đoạn bị hạn hán, lượng tàu qua kênh đào mỗi ngày sẽ bị giới hạn còn một nửa so với bình thường.
Hậu quả của việc hạn chế lưu lượng tàu hàng đi qua tuyến đường quan trọng này sẽ có tác động lớn lên nền kinh tế toàn cầu do chi phí vận chuyển sẽ tăng cao khi các tàu phải nằm chờ hoặc tìm tuyến đường khác.
Điều này dẫn đến lưu lượng tàu qua kênh đào Suez tăng, thời gian phải chờ tàu tăng lên.
Đặc biệt, từ cuối tháng 11/2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, buộc các hãng tàu phải thay đổi hải trình các tàu đang khai thác theo tuyến châu Á đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và châu Âu tránh đi qua kênh đào Suez, thay vào đó các tàu hàng phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày và dài thêm khoảng 3.500 hải lý (6.482 km).
Điều này dẫn đến vòng quay tàu lâu hơn, làm phát sinh chi phí vận hành và tăng phí an ninh, bảo hiểm của tàu. Một số hãng tàu đã áp thêm các phụ phí để bù vào chi phí phát sinh, điều này tác động lên giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Do các yếu tố địa chính trị nói trên kèm theo lo ngại năng lực vận chuyển sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trước Tết Nguyên đán, các thị trường lớn của châu Á có nhu cầu xuất hàng đi châu Âu, châu Mỹ như Trung Quốc, Việt Nam… gia tăng sản lượng hàng khiến mất cân đối giữa nhu cầu xuất hàng và khả năng đáp ứng của đơn vị vận chuyển.
Bên cạnh đó, một số tuyến phải cắt bỏ một số chuyến hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.
Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, với tình hình xung đột ở khu vực Trung Đông có khả năng lan rộng như hiện nay, việc tăng giá cước vận chuyển hàng container dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao, kèm theo sự thiếu hụt container rỗng cũng sẽ tác động trực tiếp đến khả năng tăng giá sắp tới.
Dự báo trong năm 20, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cước tàu, tăng thời gian vận chuyển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và tăng các loại phụ phí.
Điều này tạo áp lực cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu các đơn hàng đã ký trước đó, đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ phải cõng thêm một khoản chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các đối thủ khác trong khu vực.
“Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải, Chi cục hàng hải tăng cường việc giám sát việc thực hiện niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container và phụ thu của các hãng tàu vận chuyển”, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải nhấn mạnh.