Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, ngày 28/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH của Quốc hội.
Theo dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân về hoạt động của đại biểu và Quốc hội tại kỳ họp”.
Nêu ý kiến, Đại biểu Lý Tiết Hạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, điểm mới trong quy định lần này chính là “ĐBQH tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo”. Đại biểu đề nghị, cần nêu rõ trong Kỳ họp thì ĐBQH có quyền gì, quyền đến đâu, quy định nào bảo đảm đại biểu được sử dụng thông tin theo đúng quy định của pháp luật và không làm lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật riêng tư.
Đồng thời, đối với quy định này cần nhấn mạnh đến quyền và nghĩa vụ, kèm theo đó là các quy định phù hợp để bảo đảm ĐBQH thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ.
Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị nêu rõ hơn mức độ như thế nào là thường xuyên và thông tin đến cử tri và Nhân dân về hoạt động của ĐBQH tại Kỳ họp “là thông tin đầy đủ hay ở mức độ nào? Thông tin qua tin nhắn, email hay thông tin hàng ngày, hàng giờ đến cử tri qua mạng xã hội như thế nào? Do đó, cần quy định cụ thể hơn để ĐBQH thực hiện đúng trách nhiệm của mình”.
Theo Đại biểu Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, yêu cầu cốt lõi để bảo đảm tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội là công khai quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều báo cáo giải trình còn chung chung, không rõ nội dung nào được tiếp thu, nội dung nào chưa và vì sao không tiếp thu. Điều này không chỉ làm giảm tính thuyết phục của báo cáo mà còn khiến cử tri và đại biểu khó theo dõi được hiệu quả phản hồi chính sách của cơ quan soạn thảo.
Đại biểu kiến nghị bổ sung vào Nội quy kỳ họp Quốc hội một quy định mang tính bắt buộc: Các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ít nhất 48 giờ trước phiên họp biểu quyết. Trong đó, báo cáo phải thể hiện đầy đủ các nội dung đã được tiếp thu hay chưa, nêu rõ căn cứ giải trình, lý do không tiếp thu đối với từng nhóm ý kiến của đại biểu. Đồng thời, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần quy định rõ, trong trường hợp tiếp thu chọn lọc của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải trích dẫn nguyên văn, nội dung ý kiến của đại biểu kèm theo nội dung chỉnh lý cụ thể để làm căn cứ thuyết phục cho việc sửa đổi.
Ngoài ra, tài liệu phục vụ kỳ họp phải được gửi đến đại biểu Quốc hội ít nhất 5 ngày làm việc trước phiên thảo luận chính thức. Đối với các dự thảo luật, nghị quyết, thời gian gửi trước tối thiểu là 7 ngày. Trường hợp đặc biệt do yếu tố khách quan bất khả kháng, phải có văn bản thông báo lý do cụ thể và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.