Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tăng sức cạnh tranh cho thương mại điện tử nội địa

Trang Nhi 06/05/2025 - 10:

Thương mại điện tử nội địa phải có những thay đổi về chất và lượng để phát triển và tránh “lép vế” so với thương mại điện tử xuyên biên giới.

TMĐT nội địa trước áp lực cạnh tranh xuyên biên giới

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo mới nhất từ nền tảng phân tích dữ liệu Metric.vn, tổng doanh số từ bốn sàn TMĐT lớn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đã đạt mốc 101.400 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

thi-phan-cac-san-tmdt.png
Thị phần doanh số các sàn thương mại điện tử

Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT không còn đơn thuần là kênh bổ trợ mà đã trở thành lựa chọn tiêu dùng chủ yếu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nóng cũng kéo theo những thách thức lớn về cạnh tranh, đặc biệt là sự bành trướng của các nền tảng xuyên biên giới như Shopee, TikTok Shop,..

Cụ thể, doanh số của TikTok Shop đã tăng vọt 113,8%, giúp thị phần tăng từ 23% lên 35%. Trong khi đó, Shopee - sàn TMĐT chiếm thị phần lớn nhất (62%) - tăng trưởng 29,3%. Ngược lại, Lazada và sàn nội địa Tiki lại chứng kiến mức giảm sâu về doanh số, lần lượt mất 43,5% và 66,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sự gia tăng hiện diện của các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt đối với hoạt động của những sàn thương mại điện tử nội địa. Điều này đòi hỏi thương mại điện tử nội địa phải có những thay đổi để phát triển và tránh “lép vế” so với thương mại điện tử xuyên biên giới.

tmdt-noi-dia.jpg
Ảnh minh họa

Thay đổi để tăng sức cạnh tranh

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay thị trường thương mại điện tử là một sân chơi mở. Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và nội địa đang cùng tham gia sân chơi thì việc loại trừ nhau là không cần thiết. Thay vào đó, cần bắt tay, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương mong muốn họ đẩy mạnh nhập khẩu các hàng hóa từ bên ngoài vào thị trường nội địa thì họ cũng sẽ hỗ trợ ngược lại cho chính doanh nghiệp của Việt Nam để đưa các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Với các sàn thương mại điện tử nội địa, ngoài hạ tầng kỹ thuật thì việc làm sao để đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu cũng là một vấn đề rất quan trọng, thậm chí mang tính chất quyết định.

Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần cập nhật về công nghệ, những thay đổi từ hành vi, thái độ của tiêu dùng. Trên thực tế đã có nền tảng đang dần áp dụng những cơ chế mới, công nghệ mới ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI).

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh - Giảng viên ngành Kinh doanh trên ứng dụng blockchain, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng, khi TMĐT trong nước đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng, sự hỗ trợ chính sách từ phía Nhà nước nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước làn sóng cạnh tranh xuyên biên giới là rất cần thiết. Trong đó, siết thuế và hải quan để đảm bảo công bằng giá.

Hiện Bộ Tài chính đã yêu cầu các nền tảng nước ngoài như Agoda, Airbnb, PayPal đăng ký và khấu trừ thuế tại nguồn. Đồng thời, dự thảo mới cũng đề xuất đánh thuế với đơn nhập khẩu có giá trị dưới 2 triệu đồng – thay thế mức miễn thuế hiện nay – nhằm xóa bỏ lợi thế "né thuế" của hàng hóa xuyên biên giới.

Ngoài ra, trong cuộc chiến giành thị phần hiện nay, việc các doanh nghiệp TMĐT nội địa hợp tác chia sẻ hệ thống logistics, kho bãi và nền tảng công nghệ không chỉ là hướng đi khả thi mà gần như đã trở thành con đường bắt buộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức cạnh tranh cho thương mại điện tử nội địa