Kinh tế

Tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động

Trang Nhi 01/05/2023 11:26

Việc xây dựng tạo việc làm bền vững và sử dụng lực lượng lao động một cách hiệu quả là hết sức cần thiết, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Nhiều chính sách điều tiết thị trường lao động hiệu quả

Đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp những năm qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp; gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; nhiều lao động di cư trở về quê, quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại.

viec-lam-ben-vung-1.jpg
Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng

Trước thực tế trên, các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã được ban hành để thị trường lao động sớm phục hồi.

Với những chính sách an sinh chưa từng có tiền lệ, 2 năm qua, Nhà nước đã dành 104.000 tỷ đồng chi hỗ trợ hơn 68 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động để cả nước cùng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch.

Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Nghị quyết chỉ rõ, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế…

Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nghị quyết 06 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Đổi mới mô hình kinh tế, phát triển nhà ở cho người lao động

Để thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, các doanh nghiệp, đơn vị cần tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao.

viec-lam-ben-vung-2.jpg
Cần tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững

Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

Thí điểm, triển khai một số mô hình đào tạo mới, nhất là những ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thí điểm mô hình đạo tạo tại DN, trong khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tính chất và điều kiện sản xuất – kinh doanh của các DN, nhất là DN FDI và mô hình hội đồng kỹ năng nghề của các cấp. Tập trung đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các DN.

Nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững; xây dựng bản đồ công nghiệp của Việt Nam để làm cơ sở xây dựng phương án cung ứng lao động, phân bổ và sử dụng lao động trên toàn quốc.

Đặc biệt, cần đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, BHXH.

Ngoài ra, các đơn vị nên đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức hưởng thụ; đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Cùng với đó là nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động; trước mắt tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề chỗ ở cho người lao động.

Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030: Trong giai đoạn 2016-2020 đưa tỉ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%; tỉ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM) đạt trên 90%; tỉ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các tổ chức đô thị loại III trở lên… Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.

Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo việc lm bền vững v sử dụng hiệu quả lực lượng lao động