Ngày 20/5, Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII tổ chức hội nghị tập huấn trí tuệ nhân tạo (AI) cho hơn 300 cán bộ kiểm sát của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội nghị tập huấn với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hướng dẫn an toàn thông tin”, được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự hội nghị có ông Lê Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND TP.HCM; ông Lại Văn Loan, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; ông Nguyễn Phước Trung, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương; lãnh đạo, kiểm sát viên và công chức thuộc các VKSND cấp thành phố, huyện và đơn vị trực thuộc của VKSND TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Đông nhấn mạnh, chương trình sẽ cung cấp những kiến thức mới, thiết thực, đồng thời trang bị kỹ năng cần thiết để khai thác hiệu quả phần mềm Trợ lý ảo do VKSNDTC phát triển. Đây là công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tra cứu văn bản, xử lý thông tin và nâng cao hiệu suất công việc trong hoạt động nghiệp vụ.
Ông Lê Văn Đông bày tỏ kỳ vọng, mỗi cán bộ sẽ trở thành nhân tố tích cực tại đơn vị, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thông tin và biến kiến thức thành hành động cụ thể, sáng kiến thiết thực. Đồng thời, đề nghị toàn ngành cần nhìn nhận nghiêm túc hiệu quả vận hành của các phần mềm hiện có, tập trung số hóa hồ sơ và nâng cao kỷ luật công vụ trong môi trường số.
Tại hội nghị, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, đã phân tích tổng thể vai trò chiến lược của AI trong việc hiện đại hóa lĩnh vực pháp lý và hành chính công.
Dẫn chứng từ báo cáo LawGeex, ông Thành cho biết, AI có thể đạt độ chính xác tới 94% khi rà soát văn bản pháp lý, tương đương với hiệu suất làm việc của những luật sư xuất sắc. Trong khi đó, mức trung bình của các luật sư đạt khoảng 85% và thấp nhất chỉ 67%. Những con số này cho thấy AI không chỉ hỗ trợ mà còn có thể cải thiện rõ rệt độ chính xác trong xử lý tài liệu và hợp đồng, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực trong các đơn vị hành chính và pháp lý.
Theo Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, tỷ lệ công ty luật ứng dụng AI đã tăng từ 11% vào năm 2023 lên 30% vào năm 20, trong đó các công ty có quy mô lớn sử dụng AI ở mức cao nhất. Đặc biệt, các công cụ như Casetext, LegalZoom hay Premonition không chỉ giúp rút ngắn thời gian tra cứu mà còn hỗ trợ soạn thảo hợp đồng, dự đoán kết quả vụ việc và phân tích hồ sơ pháp lý một cách toàn diện.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Đỗ Văn Minh, Giám đốc Quan hệ khách hàng khu vực miền Nam của Viện ABAII, đã trực tiếp hướng dẫn các cán bộ, kiểm sát viên sử dụng các công cụ ứng dụng AI như ChatGPT, phần mềm AI Tra Cứu Luật và Phần mềm Trợ lý ảo của VKSND. Nội dung được trình bày rõ ràng, thực tế và sát với nhu cầu công tác, giúp học viên dễ dàng áp dụng vào công việc chuyên môn.
AI đang từng bước được ứng dụng trong nhiều hoạt động nghiệp vụ của ngành pháp lý, từ tra cứu văn bản, phân tích hồ sơ đến hỗ trợ ra quyết định. Các nghiên cứu, thống kê và mô hình triển khai thực tế cho thấy việc tích hợp công nghệ số vào công tác kiểm sát không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả làm việc mà còn hướng tới chuẩn hóa quy trình, tăng cường độ chính xác và tính minh bạch trong thực thi pháp luật.