Chiều 20/2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Trần Đức Tài đánh giá, Đề án 06 chính là cuộc cách mạng chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, vật chất, sức người, sức của. Qua đó, nhiều ứng dụng được đưa vào cuộc sống cụ thể chứ không còn là lý thuyết, phục vụ việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, nhiều ứng dụng được đưa vào hoạt động ở các ngành y tế, giáo dục, tư pháp, công an… Trong đó, TP.HCM đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, người dân được tích hợp đủ giấy tờ để đảm bảo hoạt động trên môi trường mạng được thuận lợi, nhanh nhất.
Các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được khai thác, ứng dụng vào hoạt động của ngành ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, lĩnh vực quản lý cư trú…
Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, địa phương; góp phần thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Tuy thế, vẫn có điểm nghẽn trong quá trình thực hiện bởi đây là việc chưa từng có tiền lệ. Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn khi có tình trạng mất kết nối tạm thời trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến vào giờ cao điểm các hệ thống còn chậm trễ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, đề án 06 đã có những đóng góp tích cực vào việc quản lý và phát triển, hỗ trợ trực tiếp cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng. Với TP.HCM, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 được xác định là chủ đề năm 20.
Ông Mãi cho rằng địa phương cần bám sát kế hoạch chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa để thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu. Công an TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành kế hoạch chuyển đổi số của TP năm 20 trong tháng 2.
Các đơn vị liên quan đánh giá hiện trạng, lên kế hoạch và tiến hành đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong đó có Đề án 06, hoàn thành chậm nhất trong quý 3 để tiến tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Kế đến, ông Mãi giao các đơn vị tập trung số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung theo Chiến lược xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu của quốc gia, gắn với việc đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu.
Đồng thời, tiếp tục triển khai vận hành ứng dụng dùng chung trên nền Đề án 06. Giao sở Thông tin Truyền thông chủ trì cùng các sở ngành xác định các ứng dụng dùng thống nhất toàn TP, trước hết là tập trung cho nền tảng giải quyết thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ TP.HCM nghiên cứu và đề xuất trong quý 1 hướng hợp nhất 3 ban chỉ đạo (ban chỉ đạo cải cách hành chính, ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban chỉ đạo Đề án 06) để thuận lợi trong hoạt động, chỉ đạo, triển khai chuyển đổi số và Đề án 06.