Đó là chia sẻ của ông Phan Đăng Toàn – Bí thư Thị ủy Sa Pa với Báo Công lý, khi nói về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã Sa Pa nhiệm kỳ 2021-2025.
PV: Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước lựa chọn, ông có thể giới thiệu về những tiềm năng cũng như tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Sa Pa?
Ông Phan Đăng Toàn: Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều lợi thế cả về địa hình và khí hậu. Có đỉnh Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, dãy núi Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858m; Đèo Ô Quý Hồ được mệnh danh là Vua đèo trong Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc. Bên cạnh đó, với nền nhiệt từ – 18 độ C, Sa Pa là nơi hội tụ 4 mùa trong một ngày. Cùng đó là sự quần tụ của các dân tộc như Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xa Phó tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa.
Với các đặc trưng này, Sa Pa có tiềm năng phát triển các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc và phục hồi sức khỏe và du lịch thể thao gắn với băng tuyết vào mùa đông; khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm đời sống và văn hóa độc đáo. Thực tế cho thấy, du lịch là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Sa Pa.
Cơ hội “xuất khẩu và tiêu thụ tại chỗ” các sản phẩm nông lâm, ngư nghiệp; thúc đẩy hoạt động đầu tư các dịch vụ. Đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng các dân tộc địa phương trong du lịch. Sự phát triển của du lịch còn hỗ trợ tích cực việc bảo tồn văn hóa các dân tộc Sa Pa. Cùng với đó, các sản phẩm nghề truyền thống cũng được đưa vào phục vụ du lịch; ẩm thực địa phương được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo.
PV: Được biết, Sa Pa là một trong những địa phương tiên phong của Việt Nam đưa du lịch cộng đồng vào khai thác. Ông có thể chia sẻ về loại hình du lịch này?
Ông Phan Đăng Toàn: Với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú nên từ năm 1998, Sa Pa đã triển triển khai loại hình du lịch này. Đến nay, du lịch cộng đồng Sa Pa đã đạt được những kết quả và góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc “xóa đói giảm nghèo”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch cộng đồng của Sa Pa vẫn còn một số hạn chế và đặt ra thách thức như: hoạt động tự phát, lộn xộn do chưa được đầu tư đúng mức, sản phẩm còn nghèo nàn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; du lịch cộng đồng đang gây ra bất bình đẳng trong thu nhập và việc làm, tạo ra nguy cơ làm biến dạng văn hóa và lối sống của cộng đồng các dân tộc.
Để du lịch cộng đồng Sa Pa phát triển bền vững, Đảng bộ thị xã Sa Pa đã ban hành Đề án số 03 về phát triển văn hóa du lịch; xây dựng Sa Pa thành khu du lịch trọng điểm quốc gia giai đoạn 2020-2025, trong đó định hướng phát triển du lịch cộng đồng Sa Pa theo tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN với phương châm tối ưu hóa các tài nguyên du lịch thế mạnh của địa phương, phát huy những mặt tích cực, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã, đang và có thể diễn ra từ loại hình du lịch này. Trong đó tập trung vào vấn đề tổ chức quản lý, cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá.
PV: Du lịch phát triển thường kéo theo nhiều thách thức. Theo ông, Sa Pa cần làm gì để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn bản sắc văn hóa?
Ông Phan Đăng Toàn: Đúng là bên cạnh tích cực, du lịch cũng đặt nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của Sa Pa, đặc biệt là sức ép đối với cơ sở hạ tầng, phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái, biến dạng của bản sắc, không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa.
Để hóa giải những thách thức đó, UBND tỉnh Lào Cai và thị xã Sa Pa đã ưu tiên các dự án quy hoạch và đầu tư hạng tầng. Thị xã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, xây dựng tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Sa Pa; chủ động lập 05 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng 43 đồ án quy hoạch chi tiết Khu vực trung tâm thị xã... Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án Sa Pa sạch: tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trồng cây tạo cảnh quan đô thị, đầu tư cải tạo cảnh quan, không gian và tăng cường xử lý môi trường, đặc biệt là trên các tuyến phố tập trung đông khách.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực địa phương kết hợp kinh phí hỗ trợ bảo tồn văn hóa phục vụ du lịch trong Dự án 06 - Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020-2025, bảo tồn và khai thác hiệu quả 5 lễ hội truyền thống đại diện cho 5 dân tộc thiểu số của Sa Pa; bảo tồn và truyền dạy văn hóa, chữ viết và đạo lý để nâng cao tự tôn và tự hào văn hóa cho cộng đồng các dân tộc địa phương…
PV: Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa khóa XXIII đã đi qua một nửa nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, thách thức, ông đánh giá thế nào về mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia mang tầm quốc tế như nêu trong Nghị quyết?
Ông Phan Đăng Toàn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu thị xã trở thành địa phương phát triển toàn diện, là khu du lịch trọng điểm quốc gia vươn tầm quốc tế, trung tâm sản xuất dược liệu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết cơ bản đạt trên 50% với có 6/22 mục tiêu đã hoàn thành, 14/22 mục tiêu đạt từ 60% đến 80%.
Sau đại dịch COVID-19, du lịch Sa Pa nhanh chóng phục hồi và được Cục Du lịch quốc gia đánh giá là một trong
10 địa phương có tốc độ phục hồi du lịch nhanh nhất Việt Nam. Năm 2023, Sa Pa đón 3.680.000/3.500.000/5.800.000 lượt du khách (đạt 105% Kế hoạch giao, bằng 145% so với năm 2022, đạt 63,4% so với mục tiêu nhiệm kỳ đến năm 2025); doanh thu từ du lịch: 12.707/7.440/27.900 tỷ đồng (đạt 105% kế hoạch, bằng 175% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45% so với mục tiêu Đại hội).
Nguyên nhân của việc các chỉ tiêu còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra là do con số dự báo đưa ra trong bối cảnh phát triển bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 đã tác động rất nặng nề đến hoạt động lịch, nhiều hoạt động du lịch hiện nay vẫn chưa khôi phục lại được so với năm đầu nhiệm kỳ. Hơn nữa, sau đại dịch xu hướng chi tiêu của du khách cũng có sự thay đổi. Nên mặc dù đã rất nỗ lực nhưng để đạt được mục tiêu đề ra vẫn là một thách thức. Mặc dù vậy, tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thị xã Sa Pa sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra.
PV: Mùa du lịch 20 đã điểm, ông có điều gì muốn gửi đến du khách hoặc những người đang có ý định chọn Sa Pa để trải nghiệm?
Ông Phan Đăng Toàn: Mặc dù du lịch Sa Pa đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện nhưng Sa Pa vẫn xứng đáng để du khách trong nước và quốc tế lựa chọn cho kỳ nghỉ trong năm 20 vì dịch vụ du lịch của Sa Pa ngày càng phong phú, sản phẩm du lịch ngày càng đặc sắc, có chiều sâu trên cơ sở khai thác giá giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Nhân lực du lịch và con người Sa Pa ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện và văn minh. Các sự kiện du lịch luôn phong phú và hấp dẫn phân bố đều trong chuỗi sự kiện du lịch 5 mùa của Sa Pa, hứa hẹn mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo và ấn tượng.
Ngoài ra, Sa Pa cũng cầu thị, mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của du khách về hoạt động du lịch để tiếp tục phấn đầu hoàn thiện bức tranh du lịch Sa Pa, xứng đáng là Khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!