Sau quá trình sáp nhập bộ máy, nhiều cán bộ, công chức tại các xã biên giới Tây Ninh đảm nhận vị trí công tác mới với nhiều thay đổi. Dù phải đối mặt với những khó khăn nhất định về khoảng cách địa lý, khối lượng công việc và sự thay đổi trong cơ chế phối hợp nhưng họ vẫn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng phục vụ nhân dân.
Khó khăn là động lực để vượt qua
Dọc theo tuyến Quốc lộ 22, chúng tôi tìm đến trụ sở HĐND – UBND xã Phước Chỉ, một trong những xã biên giới của tỉnh Tây Ninh. Hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là một bầu không khí làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, tinh thần này được đội ngũ cán bộ, công chức của xã duy trì từ lúc bộ máy mới đi vào vận hành đến nay.
Tại đây, chúng tôi gặp anh Lê Thanh Dương – Trưởng Phòng Kinh tế UBND xã Phước Chỉ, trước đây anh là Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Sau hơn 2 tuần vận hành bộ máy mới, anh Dương và các đồng nghiệp cơ bản thích ứng với môi trường mới. Anh kể, trước đây, từ nhà đến nơi làm việc chỉ cách khoảng 7-8km nhưng hiện tại anh phải đi khoảng 20km để đến trụ sở UBND xã Phước Chỉ.
“Thời gian đầu chưa quen, quãng đường xa gấp đôi so với trước đây khiến việc đi lại vất vả hơn. Tuy nhiên, giờ giao thông thuận lợi, quan trọng hơn là tinh thần, trách nhiệm với công việc được giao nên tôi và các anh em luôn cố gắng để làm tốt vai trò của mình, tôi biết ở nhiều địa phương khác, có những công chức phải vượt hàng trăm km để đi làm, họ còn vất vả hơn chúng tôi nhiều”, anh Dương nói.
Với tinh thần “Phục vụ người dân một cách tốt nhất”, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, anh Dương chủ động tiếp cận, nghiên cứu các lĩnh vực chuyên môn như tài chính – kế hoạch, xây dựng, công thương, nông nghiệp và môi trường… để đảm bảo xử lý công việc trôi chảy.
Dù khối lượng công việc tăng, thời gian về nhà muộn hơn trước, nhưng anh và các đồng nghiệp luôn giữ tâm thế lạc quan, vui vẻ. “Trụ sở nhiều hôm vẫn sáng đèn đến khuya, may mắn gia đình hiểu và động viên, đó là động lực để tôi hoàn thành nhiệm vụ”, anh Dương bày tỏ.
Tại trụ sở HĐND – UBND xã Bến Cầu, hơn hai tuần nay, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc với tinh thần say mê, cũng nhờ đó nhân dân trên địa bàn luôn yêu mến, đặt hết lòng tin vào chính quyền.
Anh Trần Khánh Hội, chuyên viên Phòng Văn hóa – Xã hội UBND xã Bến Cầu chia sẻ: “Sau hơn hai tuần vận hành bộ máy mới, chúng tôi đã dần thích nghi với cơ chế hoạt động mới. Ban đầu cũng có những khó khăn trong phân công và phối hợp, nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND xã và tinh thần đoàn kết trong tập thể, mọi việc đang dần đi vào nề nếp”.
Khi sáp nhập bộ máy, dù không phải di chuyển quãng đường quá xa như nhiều đồng nghiệp khác, nhưng anh Hội luôn đặt tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc.
Tương tự, anh Lê Nhật Minh, chuyên viên Phòng Văn hóa – Xã hội UBND xã Bến Cầu cho biết: “Mọi thứ đều mới, từ mô hình tổ chức đến cơ chế phối hợp nhưng cán bộ, công chức luôn sẵn sàng thích nghi, chủ động điều chỉnh để công việc diễn ra suôn sẻ”.
Theo anh Minh, khó khăn trong việc vận hành chính quyền hai cấp không chỉ là thay đổi địa điểm công tác hay khối lượng công việc tăng lên mà còn ở khâu phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong bộ máy mới. Tuy nhiên, sau hơn hai tuần đi vào hoạt động, mọi thứ đang dần ổn định, các cá nhân phối hợp nhịp nhàng hơn, đảm bảo phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Hiến kế giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân
Tại các xã biên giới Tây Ninh, việc tổ chức lại bộ máy hành chính đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt từ đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo không có sự gián đoạn trong phục vụ người dân.
Khác với các địa phương khác, một trong những thách thức lớn của các xã vùng biên là người dân, đặc biệt là người cao tuổi còn hạn chế trong tiếp cận thủ tục hành chính trực tuyến. Nhiều trường hợp, cán bộ phải hướng dẫn tận tình, thậm chí “cầm tay chỉ việc” để người dân được tiếp cận chính sách thuận lợi nhất.
Cũng theo ghi nhận, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã vùng biên, người dân khi đến làm thủ tục hành chính đều được hỗ trợ tận tình. Đặc biệt, người dân đồng thuận, đánh giá cao tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức.
Các trang thiết bị như máy tính, máy in, bàn ghế... cũng được bố trí đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong thời gian tới, để bộ máy mới tiếp tục vận hành suôn sẻ, nhiều cán bộ, công chức vùng biên đề xuất cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, hạ tầng tại các xã biên giới. Điều này không chỉ giúp cán bộ xử lý công việc nhanh chóng mà còn phục vụ tốt hơn cho quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng mềm, công nghệ thông tin và cập nhật văn bản pháp luật mới, giúp cán bộ, công chức có thêm công cụ, phương pháp để làm việc hiệu quả, đồng thời giảm áp lực trong xử lý hồ sơ, tiếp công dân.
Một số khác kiến nghị thành lập các “tổ công tác lưu động” để mang dịch vụ công đến tận nơi người dân sinh sống. Đây sẽ là mô hình rất phù hợp với đặc thù dân cư sống rải rác, người già và người dân ít tiếp cận công nghệ ở khu vực biên giới.
Ngoài ra, cán bộ, công chức vùng biên mong các cấp tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần để họ yên tâm công tác, cống hiến.