Bệnh bạch hầu hiện đã xuất hiện ở 3 tỉnh là Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Đáng chú ý khi cả 3 tỉnh đều đã có bệnh nhân tử vong do bạch hầu. Đây là thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa công bố.
Tính đến ngày 21/9/2023 tại Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên ghi nhận 20 trường bạch hầu vào điều trị, 3 trường hợp tử vong tại cả 3 tỉnh. Trường hợp bệnh bắt đầu từ tháng 4, 5 sau đó xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9. Trường hợp bệnh xuất hiện tại 5 huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Mèo Vạc, Yên Minh, Tp Thái Nguyên thuộc 3 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên. Đa số trường hợp mắc là trẻ lớn trên 6 tuổi và người lớn cụ thể như sau: 19/20 trường hợp từ 6 tuổi trở lên (từ 6 đến 34 tuổi, chiếm 95%). Chỉ có 01 trường hợp trong độ tuổi tiêm chủng (2 tuổi).
Tại tỉnh Thái Nguyên từ 8/9 đến nay đã phát hiện 2 ca bệnh bạch hầu tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên. Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lây lan thành dịch và hạn chế tử vong do dịch.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, cho biết: "Ngay sau khi chúng tôi nhận được thông tin có ca dương tính với bạch hầu tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, chúng tôi đã xây dựng các phương án để phòng chống dịch bệch hầu khẩn cấp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Chúng tôi cũng đề nghị nhà trường trong thời gian này tổ chức học online cho các em, tránh tập trung đông người trong trường, thực hiện đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, các phòng đều mở cửa thông thoáng, phơi chăn màn quần áo đảm đảm bảo sạch sẽ để phòng chống dịch bạch hầu ngay trong phòng ở của mình".
Hiện các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên đang có hơn 20 bệnh nhân bạch hầu phải nhập viện điều trị với 3 ca tử vong ở 3 tỉnh. Ngoài ra, còn có hơn 90 ca nghi ngờ mắc bạch hầu, ở các huyện Mèo Vạc, Yên Minh và Đồng Văn, đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế..
Tại Hà Giang, đoàn công tác đã kiểm tra thực địa việc giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân, công tác truyền thông và các hoạt động đáp ứng chống dịch bạch hầu tại huyện Mèo Vạc và huyện Yên Minh.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Giang, ca bệnh bạch hầu đầu tiên xuất hiện vào ngày /8/2023 ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Đến ngày 14/9/2023 đã có 9 trường hợp trường hợp được xác định mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính), gồm 7 người ở huyện Mèo Vạc và 2 người ở huyện Yên Minh.
Trong đó, có 1 trường hợp tử vong tại huyện Mèo Vạc. 8 trường hợp mắc bệnh hiện vẫn đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Hơn 90 người nghi ngờ mắc bạch hầu đang được cách ly, điều trị ở bệnh viện.
Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Giang, ngay từ khi xuất hiện ca bạch hầu đầu tiên, Sở Y tế Hà Giang đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tham mưu, trình UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Sở Y tế đã tổ chức 4 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra tại địa bàn xuất hiện bệnh bạch hầu và các địa phương có ca bệnh nghi ngờ; trực tiếp kiểm tra tình hình điều trị bệnh nhân bạch hầu tại các bệnh viện.
Để sớm kiểm soát dịch bạch hầu, không để lan rộng, kéo dài, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Giang tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, nhất là các địa phương có ghi nhận các ca mắc và nghi ngờ mắc bệnh; Đề nghị tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch bạch hầu: mua vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều để tiêm cho các đối tượng nguy cơ; mua vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác tiêm chủng và phòng chống dịch; mua thuốc điều trị cho người bệnh tại các cơ sở y tế vv…
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu để lấy mẫu xét nghiệm kịp thời; xử lý triệt để ổ dịch; điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, các đối tượng nguy cơ cao; tiêm bổ sung ngay khi có vắc xin, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.