Ta án đã đứng trước những áp lực rất lớn về khối lượng cng việc; cần phải c cơ chế bảo vệ Thẩm phán trước những rủi ro m nghề nghiệp c thể mang đến…
Là những nội dung mà các đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TANDTC, VKSNDTC sáng 30/3.
Các ĐBQH đánh giá, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ, đầy đủ hơn, đem lại những chuyển biến tích cực cho hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Các Tòa án đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; đã giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, đã xét xử các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, công tác cán bộ và nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như cơ chế bảo vệ Thẩm phán đang là vấn đề cần lưu tâm.
Án dân sự kéo dài do bất cập quy định pháp luật
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu - Đắk Lắk, là một người đã gắn bó với hoạt động tư pháp gần 40 năm cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự đổi mới, những thành tựu mà các cơ quan tư pháp đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Ông cho biết, với hơn 2 triệu vụ án một năm chia ra số biên chế hiên có và số ngày làm việc thì thấy khối lượng công việc mà Tòa án phải đảm nhận lớn và áp lực đến mức nào.
Về ý kiến mà nhiều đại biểu phát biểu trước đó cho rằng việc giải quyết án dân sự án kéo dài, chậm, chưa được giải quyết kịp thời, một số án bị hủy, sửa…
Đại biểu cho rằng lỗi từ quy định của pháp luật, pháp luật về tố tụng hiện nay chưa phù hợp. Ví dụ quy định về xin hoãn phiên tòa; bị đơn và nguyên đơn có quyền xin hoãn phiên tòa. Có những vụ án hàng chục, hàng trăm bị đơn/nguyên đơn, họ thay nhau xin hoãn thì đương nhiên vụ án kéo dài.
Hoặc những quy định về người được ủy quyền, người ủy quyền, người đại diện cho đương sự trong pháp luật tố tụng. Có những đối tượng đi tù về xong nhận ủy quyền của đương sự tham gia tố tụng tại tòa. Những đối tượng này có đủ tư cách tham gia hay không luật chưa có quy định, khi ra phiên tòa họ rất ngang ngược, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Hay vấn đề giám định cũng vậy. Nhiều bộ, nhiều ngành rất tích cực nhưng cũng có bộ, ngành rất liên tục từ chối giám định của tòa, đặc biệt giám định về một số lĩnh vực y tế, ngân hàng, kéo dài rất nhiều. Có những vụ án phải giám định gần 1.000 hợp đồng nhưng phải kéo dài hàng năm trời.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội khóa XV cần sẽ nghiên cứu, xem xét để có sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế bảo vệ Thẩm phán khỏi những nguy hiểm từ nghề nghiệp. Thẩm phán hàng ngày đều phải xét xử nhiều vụ án, thậm chí có tử hình và chung thân. Áp lực rất nhiều. Thậm chí cả bị cáo cũng nhắn tin đe dọa. Đã có những Thẩm phán tại Hà Nội bị tạt axit, do vậy, phải có cơ chế như thế nào để bảo vệ đội ngũ này.
Ngoài việc chế độ chính sách thì về mặt pháp luật cũng phải có cơ chế để bảo vệ. “Nếu chúng ta làm được tốt những việc này thì hoạt động của cơ quan tư pháp trong thời gian tới, đặc biệt trong nhiệm kỳ tới sẽ có hiệu quả nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ tư pháp”, đại biểu Nguyễn Duy Hữu đề nghị.
Tòa án đã xét xử cả đối tượng có chức vụ cao
Các đại biểu cũng khẳng định, nhiệm kỳ XIV, chính sách pháp luật được quan tâm xây dựng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tạo ra cơ sở pháp lý và những chuyến biến tích của các cơ quan tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Cạn cho rằng: Trong nhiệm kỳ này, tổng số án các loại thụ lý xét xử tăng tới 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng nước ta, bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Có nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án số bị cáo tham lên đến hàng trăm người như vụ án Ngân hàng đại dương 51 bị cáo, hay vụ án về đường dây đánh bạc nghìn tỷ lên đến 92 bị cáo.
Còn theo đại biểu Mai Khanh - Ninh Bình đánh giá, đây là một nhiệm kỳ mà lượng công việc của các cơ quan tư pháp đã tăng lên rất lớn so với nhiệm kỳ trước, đặc biệt là một nhiệm kỳ mà các ngành tư pháp đã đứng trước những áp lực rất lớn khi giải quyết những đại án kinh tế tham nhũng đặc biệt lớn, xử lý những đối tượng có chức vụ cao, từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo.
Đây là một nhiệm kỳ mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng đã để lại những dấu ấn rất đậm nét của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tư pháp ở Trung ương, đó là dấu ấn về sự lãnh đạo quyết liệt, tinh thần tập trung cao độ, thái độ kiên quyết trong chỉ đạo và sự năng động liên tục trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật. Tham mưu cho các cơ quan Chính phủ, Quốc hội ban hành kịp thời các luật, nghị quyết, giải đáp, hướng dẫn và nhất là đối với hệ thống tư pháp ở cấp dưới, để xử lý những vấn đề khó khăn từ thực tiễn đặt ra.
Các cơ quan tư pháp thể hiện được bản lĩnh chính trị, sự tinh thông nghiệp vụ, các vụ án được giải quyết kịp thời trong thời gian ngắn đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng và hơn nữa là đáp ứng được mong mỏi của quần chúng nhân dân và tạo được niềm tin vào công lý đối với người dân, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng mong rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các cơ quan tư pháp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong việc xử lý các vụ án lớn, các vụ án nghiêm trọng mà dư luận quan tâm. Bởi kết quả xử lý của các cơ quan tư pháp không chỉ là kết quả riêng biệt của từng cơ quan, mà nó thể hiện quan điểm, thái độ của Nhà nước đối với những vấn đề của xã hội. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.