Tháng Tư, đặc biệt là ngày 30 tháng 4, có ý nghĩa lịch sử vô cùng thiêng liêng là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với lớp trẻ Việt Nam hiện nay, tháng Tư không chỉ là dịp để nhớ về quá khứ mà còn để phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm với tương lai.
Mang màu cờ nhuộm thắm muôn nơi
Những ngày này, hòa chung không khí cả nước kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5), khắp trên dải đất hình chữ S đâu đâu cũng gặp hình ảnh những bạn trẻ khoe sắc với các món đồ mang hình quốc kỳ, hay bản đồ Việt Nam xuất hiện khắp nơi từ đường phố, các buổi diễu hành đến mạng xã hội. Đây chính là cách các bạn trẻ thể hiện tình yêu Tổ quốc.
Ảnh đại diện, ảnh bìa trang cá nhân của nhiều bạn trẻ đồng loạt đổi sang hình ảnh có kèm Quốc kỳ hoặc các khẩu hiệu chào mừng ngày lễ lớn. Những bài đăng chan chứa tình cảm với cội nguồn, sự trân trọng hòa bình... tràn ngập mạng xã hội. Đây không còn là xu hướng giải trí mà là cách bạn trẻ thể hiện sự quan tâm, kết nối với lịch sử hào hùng của đất nước.
Tham gia trào lưu này có những người nổi tiếng như hoa hậu, á hậu mặc áo dài chụp ảnh ở nhiều địa điểm lịch sử, thể hiện tinh thần yêu nước. Hoa hậu Thanh Thủy chọn áo dài tông màu vàng nền nã. Cô chia sẻ niềm tự hào khi chụp ảnh cùng lá cờ đỏ sao vàng.
Hoa hậu Đỗ Thị Hà mặc áo dài vàng thanh lịch, hòa cùng dòng người đến thăm các di tích lịch sử nhân dịp chào mừng kỷ niệm đại lễ 30/4. "Nếu tự hào có màu sắc, thì đó chính là màu cờ đỏ sao vàng”, người mẫu Lương Thùy Linh chia sẻ.
Còn trên các nền tảng mạng xã hội, có hàng ngàn video thể hiện vũ đạo trên nền bài hát "Máu đỏ da vàng" và "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", thu hút cả triệu lượt xem và tương tác.
Điều đặc biệt hơn, trào lưu này không chỉ phổ biến trong nước, mà còn được các bạn trẻ đang sinh sống, làm việc ở hải ngoại thể hiện. Hoài Nhớ cô gái 26 tuổi, quê Phú Yên mới sang Nhật hơn một năm đã bất ngờ khi video bài múa "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của mình và các bạn người Việt ở tỉnh Saitama, Nhật Bản nhận hàng nghìn lượt thích của bạn bè quốc tế. "Dịp 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi muốn những giai điệu Việt Nam vang lên ở nước bạn, như một cách gửi tình cảm, niềm tự hào về quê hương của người con xa xứ", Nhớ nói.
Xác định sẽ xa nhà trong các dịp quan trọng của đất nước, Thanh Hằng, tuổi, quê Lâm Đồng, du học tại Đại học Leicester (Anh) từ cuối năm 20, đã chủ động mang theo áo dài, cờ Tổ quốc để hưởng ứng ngày vui của đất nước từ xa…
Khi Tổ quốc ở trong tim
Chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức) cùng con trai ghi lại khoảnh khắc đặc biệt trước thềm đại lễ trong tà áo dài trắng tinh khôi. Nhìn thấy quanh mình là các bạn trẻ rạng rỡ, nâng niu Quốc kỳ trên tay chị rất xúc động. "Những bộ ảnh này không phục vụ nhu cầu sống ảo cho vui. Tôi tin chắc đây là hình thức trẻ trung, hợp thời đại để chúng tôi nói lên tình yêu quê hương, đất nước của bản thân", chị Thanh chia sẻ.
Không chỉ kể lại câu chuyện lịch sử của dân tộc theo cách riêng của mình thông qua sản phẩm số, nhiều bạn trẻ xem dịp này là cơ hội quý báu để hoàn thiện kiến thức lịch sử. Vì thế, nhiều bảo tàng tấp nập nhóm bạn trẻ đến tìm hiểu, tham quan. Hàng loạt triển lãm, trưng bày những tư liệu quý hiếm liên quan đến Đại thắng mùa xuân 1975 của dân tộc được người trẻ quan tâm, tham dự. Nguyên Giang (sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG HN) cho biết đã dành nhiều thời gian đi xem trưng bày chuyên đề “Non sông liền một dải” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Không riêng Giang, bạn bè của em đều chăm chú ghi chép, chụp lại những tư liệu lần đầu được tiếp cận. Với Giang, các nguồn dữ liệu quý giá này vô cùng bổ ích để người trẻ có thể hình dung toàn diện, sâu sắc và chính xác hơn về các cột mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. "Càng thấu hiểu những hy sinh, gian lao của thế hệ đi trước thì những người trẻ càng trân trọng sự tự do, hòa bình để biết sống đẹp, sống xứng đáng với điều kiện thuận lợi mà mình đang có", Giang chia sẻ.
Những hoạt động đa dạng và sáng tạo của giới trẻ trong dịp 30/4 năm nay cho thấy tinh thần yêu nước không chỉ được giữ gìn, mà còn được lan tỏa mạnh mẽ, phù hợp với thời đại. Đây là minh chứng cho sự tiếp nối truyền thống và khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dù ở bất kỳ thời đại nào, việc gìn giữ ký ức lịch sử và niềm tự hào dân tộc luôn là điều cần thiết, là nền tảng cho sự phát triển vững mạnh của đất nước. Tháng Tư, với những hoạt động phong phú và ý nghĩa, đã và đang thực sự trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho lớp trẻ Việt Nam trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua các hoạt động thực tế ý nghĩa giúp người trẻ không những hiểu sâu sắc hơn về quá khứ, mà còn là động lực để họ chủ động chuẩn bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết làm hành trang để đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước trong tương lai.
Với hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở trong tim, những người trẻ tuổi đã và đang tiếp nối vẻ vang lịch sử của cha ông trong sự nghiệp xây dựng đất nước.