Trong phiên chất vấn sáng 7/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trả lời các đại biểu Quốc hội nội dung liên quan đến việc thành lập Tổ công tác để thanh tra lại Kết luận thanh tra của cơ quan này mà sau đó, một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị làm rõ, căn cứ, yêu cầu nào mà tháng 7/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ công tác để thanh tra lại Kết luận thanh tra của Đoàn công tác vào năm 2020 về vụ việc liên quan đến dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng có nhiều dấu hiệu vi phạm. Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố một loạt bị can, trong đó, có một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ về tội nhận hối lộ liên quan đến dự án này.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết việc thành lập Tổ công tác để thanh tra lại kết quả của Đoàn thanh tra có đúng luật không? Và với vai trò vừa là Thủ trưởng cơ quan thanh tra, vừa là người đứng đầu cơ quan nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực chất đây là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra chứ không phải là “thanh tra lại”. Đồng thời làm rõ, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra về thanh tra công tác quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thì công ty Đại Ninh và đơn vị ủy quyền đại diện đã nhiều lần có đơn đề nghị xem xét lại việc thu hồi dự án Đại Ninh và đề nghị cho công ty tiếp tục thực hiện dự án.
Thanh tra Chính phủ nhiều lần nhận được các văn bản, văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn và giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra rà soát, giải quyết phản ánh kiến nghị. Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra xác minh làm rõ kiến nghị của công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vụ việc có những liên quan vụ án khác, có sai phạm của cán bộ Thanh tra Chính phủ hiện đã tạm giam, khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, về trách nhiệm của mình Thanh tra Chính phủ đã lãnh đạo chỉ đạo và buộc thôi việc các công chức liên quan đến vụ án và khai trừ khỏi Đảng. Đồng thời nêu rõ, Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về vấn đề này.
Tranh luận với Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, 2 câu hỏi của đại biểu chưa được Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời đúng và chính xác.
Với câu hỏi việc thành lập tổ công tác có đúng luật hay không, Tổng Thanh tra Chính phủ chưa trả lời đúng, vì kết luận thanh tra do đoàn thanh tra thực hiện theo Luật Thanh tra, còn Tổ công tác là một giải pháp hành chính thành lập theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan để phục vụ cho yêu cầu hành chính, không thể có thẩm quyền để thay đổi kết luận của đoàn thanh tra theo Luật.
Trả lời tranh luận lại của đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu, quyết định lập tổ công tác theo chỉ đạo của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực, hiện đã nêu, khi làm việc với cơ quan điều tra.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc làm trên thực hiện theo Luật Tổ chức Chính phủ và Quy chế hoạt động của Chính phủ. Việc ở Lâm Đồng đã báo cáo Thủ tướng, sau đó được sự đồng ý mới ban hành kết luận. Việc rà soát lại, cũng theo chỉ đạo của Chính phủ và được chính phủ cho phép mới tiến hành thanh tra lại.
Về trách nhiệm của Tổng thanh tra, việc lập tổ này, trên cơ sở chỉ đạo Chính phủ, thành lập và giao Phó Tổng Tổng Thanh tra Chính phủ ký các kết luận, Tổng Thanh tra chỉ làm theo chủ trương, phân cấp trách nhiệm. Tuy nhiên, với chức năng nhiệm vụ được giao, Tổng thanh tra có trách nhiệm để xảy ra vụ án. Với vai trò người đứng đầu để xảy ra sai phạm và đang chờ cơ quan chức năng kết luận. Theo Tổng thanh tra, nội bộ ngành Thanh tra cũng đã tiến hành xem xét trách nhiệm của những người trực tiếp liên quan đến vụ án trên.
Làm rõ trách nhiệm “chậm” chuyển điều tra
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Đại biểu Tú nêu rõ, theo quy định, trong quá trình thanh tra nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cùng văn bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra. Theo Báo cáo số 530 của Chính phủ, chỉ riêng kết quả đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc, nhưng đến nay mới chỉ khởi tố 29 vụ việc. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm, giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình thanh tra?
Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực là trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm, có dấu hiệu vi phạm, tội phạm thì chuyển ngay sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và không chờ kết thúc quá trình thanh tra. Thời gian qua, thanh tra làm tốt việc chuyển hồ sơ. Tuy nhiên việc giải quyết tỉ lệ chưa nhiều, trách nhiệm chủ yếu ở các cơ quan tố tụng. Với trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tốt hơn.