Chiều 09/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…
Nhiều cách hiểu khác nhau trong thực hiện khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công
Tại phiên họp, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công. Theo đó, khoản 1, Điều 6 về phân loại dự án đầu tư công Luật Đầu tư công năm 2020, quy định:
“1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;
b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, nhất là cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan khác nhau về quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích bằng văn bản quy định này để thống nhất cách hiểu trong tổ chức thực hiện.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, hiện nay đang có 02 cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật đối với quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công, dẫn đến phát sinh vướng mắc. Đến nay một số khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 20 chưa được phân bổ. Do vậy, Chính phủ “đề nghị UBTVQH có văn bản giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư để có cách hiểu thống nhất, khơi thông nguồn lực công, đáp ứng hoạt động của bộ máy Nhà nước”.
“Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, nội dung tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công là để phân loại dự án đầu tư công, không có nghĩa cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng. Quy định của Luật Đầu tư công đã rõ, nhưng để giải quyết vướng mắc của Chính phủ về cách hiểu đối với khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công, tạo điều kiện cho Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc trên thực tiễn, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất việc trình UBTVQH xem xét, có ý kiến về nội dung này”, ông Mạnh nói.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, để có đủ căn cứ, cơ sở xác định việc cần thiết trình UBTVQH giải thích Luật theo thẩm quyền quy định tại Điều 9 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ đánh giá tình hình áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công trong 08 năm qua; trong đó cần báo cáo cụ thể, làm rõ trong 08 năm thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 6 có phát sinh cách hiểu khác nhau từ thời điểm nào, vướng mắc trong triển khai thực hiện thế nào và lý do tại sao đến thời điểm hiện nay Chính phủ mới có Tờ trình báo cáo phát sinh 02 cách hiểu khác nhau?
3 vấn đề xin ý kiến Thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, các ý kiến tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị UBTVQH xem xét, quyết định các nội dung:
Thứ nhất, để tránh cách hiểu khác nhau đối với khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công, thống nhất trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến về vấn đề này, theo đó khẳng định: “Khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công quy định việc phân loại dự án đầu tư công, không quy định hạn chế (không cấm) việc sử dụng các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp dự án đã đầu tư xây dựng để sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị”.
Thứ hai, về hình thức văn bản, Ủy ban Tài chính, Ngân sách xin ý kiến về hai phương án: (1) UBTVQH ban hành Nghị quyết giải thích pháp luật về nội dung trên; (2) Không ban hành Nghị quyết riêng của UBTVQH về nội dung này, chỉ ban hành văn bản Thông báo ý kiến kết luận của UBTVQH về Tờ trình của Chính phủ.
Về việc sử dụng cụ thể nguồn kinh phí thường xuyên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, căn cứ quy định của pháp luật để có quy định, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên từ NSNN bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, đúng quy định, tránh bị lạm dụng để triển khai thực hiện thống nhất.
Rà soát các luật liên quan
Thảo luận về nội dung Chính phủ trình, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về sự cần thiết, thẩm quyền, quy trình và hồ sơ giải thích pháp luật về khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công.
Có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công đã được thực hiện đến nay là 08 năm, nhưng Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ phát sinh cách hiểu khác nhau từ thời điểm nào, vướng mắc trong triển khai thực hiện thế nào và lý do tại sao đến thời điểm hiện nay Chính phủ mới có Tờ trình báo cáo phát sinh 02 cách hiểu khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng, trong các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định tương đối cụ thể về đầu tư công, do vậy không phải vướng về Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công chỉ phân loại dự án đầu tư công theo tính chất và theo quy mô, không liên quan đến các quy định về chi thường xuyên, vì vậy về lâu dài nên rà soát Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan...
Đề xuất Chính phủ xử lý theo hai hướng
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau khi xem xét, thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công đã rất rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế hiện nay do các quy định dưới luật và thống nhất thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kết luận nội dung như sau: Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về phân loại dự án đầu tư công theo tính chất (khoản 1) và theo mức độ quan trọng của quy mô (khoản 2) để làm căn cứ áp dụng các quy định pháp luật trong việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện.
Điều 6 Luật Đầu tư công không quy định nhiệm vụ, khoản chi nào phải dùng vốn đầu tư công, cũng như không quy định phải dùng vốn đầu tư công để chi cho khoản chi cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất cho các dự án đã đầu tư xây dựng khi sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng mua sắm sửa chữa tài sản công được phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hàng năm để thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Chính Phủ, trong trường hợp cần thiết để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Chính phủ có thể xử lý theo hai hướng:
Thứ nhất, nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này (hướng dẫn thực hiện quy định này trong Luật Ngân sách nhà nước).
Thứ hai, nếu thấy cần thiết ban hành nghị quyết giải thích pháp luật, Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Thông báo kết luận nội dung Phiên họp gửi các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.