Chiều 8/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phng chống thiên tai v Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm cng tác ứng ph, khắc phục hậu quả bão số 1 v bão số 2.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tham dự hội nghị.
Giảm thiểu tối đa về người và tài sản
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng trình bày tại hội nghị cho thấy, hai cơn bão số 1 và số 2 vừa qua là hai cơn bão đầu mùa đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo thống kê đến ngày 6/8, bão số 1 đã làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương; làm 2.989 nhà bị đổ sập hoàn toàn, trên 82.650 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 511 nhà bị ngập nước; 1.316 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại khu vực cửa sông; 216.194 ha lúa bị ngập, 28.372 ha rau màu bị hư hại… tổng thiệt hại ước tính trên 6.442 tỷ đồng.
Về cơn bão số 2, cũng theo thống kê đến ngày 6/8, mưa lũ, sạt lở đất do cơn bão số 2 gây ra đã làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương; làm 58 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 3.534 nhà bị tốc mái, hư hại; 500 nhà bị ngập nước; khoảng 10.226 ha lúa và 1.114 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 1.027 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 5 cầu treo bị cuốn trôi, 10 cầu treo bị ảnh hưởng… ước tính thiệt hại do cơ bão này gây ra là trên 226 tỷ đồng.
Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và sự chủ động vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, cũng như các cấp chính quyền địa phương và người dân nên đã giảm thiểu tối đa về người và tài sản. Cụ thể, đối với cơn bão số 1: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường vận hành các trạm bơm tiêu úng, các cống tiêu; kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập; hướng dẫn các địa phương khôi phục diện tích bị thiệt hại, chăm sóc diện tích bị ảnh hưởng; tổng hợp nhu cầu giống của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, diện tích lúa đã được khôi phục và phát triển bình thường là 199.000 ha; chỉ còn 17.000 ha bị mất trắng, các địa phương đang tích cực xuống giống để đảm bảo thời vụ...
Đối với cơn bão số 2, tỉnh Lào Cai đã huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, cứu hộ, cứu nạn các hộ dân bị ngập lũ, chia cắt tại huyện Bát Xát; tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên các gia định bị thiệt hại; cứu chữa người bị thương, hỗ trợ mai táng người bị thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các gia đình bị thiệt hại, mất nhà cửa, không để người dân bị đói, khát, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Các địa phương khác chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất; khắc phục sạt lở đảm bảo thông suốt các tuyến đường giao thông chính.
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hai cơn bão số 1 và số 2 vừa qua đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Các cấp, các ngành đã hết sức chủ động trong chỉ đạo ứng phó, không chủ quan trước các diễn biến tình hình của bão và trên thực tế, cơn bão số 1 đã diễn biến hết sức phức tạp, khi vào đất liền cấp gió giật rất mạnh; còn đối với cơn bão số 2 tuy không vào Việt Nam song hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, sạt lở đất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, qua hai cơn bão vừa qua, công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão có nơi còn bị động, lúng túng, chủ quan
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương; sự chủ động trong phòng chống bão của người dân mà chúng ta đã giảm thiểu, hạn chế thấp nhất được thiệt hại về người và tài sản. Sau bão, công tác khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân những vùng bị thiệt hại ổn định cuộc sống được triển khai tích cực, khẩn trương.
Tuy nhiên, Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, qua hai cơn bão vừa qua, công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão có nơi còn bị động, lúng túng, chủ quan; tính chủ động còn chưa cao, còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên; việc sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi các vị trí nguy hiểm ở nhiều nơi chưa quyết liệt; các công trình xây dựng không được kiểm tra thường xuyên, các giải pháp hiệu quả trong phòng chống mưa lũ đối với các công trình xây dựng chưa thực sự được coi trọng; khả năng chống chọi của hệ thống các công trình hạ tầng còn nhiều hạn chế; công tác dự báo mặc dù đã được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa lường trước được những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai; công tác tuyên truyền chưa thực sự được thực hiện thường xuyên…
Về những hạn chế cần rút kinh nghiệm qua 2 cơn bão, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra ý kiến, cần tăng cường tần suất phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn nữa để tạo hiệu ứng khẩn trương, tích cực trong ứng phó với bão. Thiệt hại về hệ thống điện lực, cơ sở hạ tầng trong bão số 1 là rất lớn. Do vậy cần xem xét lại tiêu chuẩn thiết kế, chất lượng công trình về an toàn các công trình trước thiên tai. Một số công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, kè, cống đã xuống cấp, song thiếu kinh phí để đầu tư, nâng cấp nên đã xảy ra sự cố tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Do vậy, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để xử lý sự cố, diễn biến nhanh của thiên tai, tránh việc tốn nhiều kinh phí xử lý, đặc biệt có thể dẫn đến vỡ đê thì hậu quả sẽ không thể lường trước.
Đối với cơn bão số 2: Các tỉnh miền núi phía Bắc cần triển khai quyết liệt việc sơ tán dân khi có bản tin cảnh báo, dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn; kiên quyết di dời các hộ dân lấn chiếm lòng sông, suối làm co hẹp dòng chảy, tăng nguy cơ lũ quét để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Tăng cường kinh phí để di dời các hộ dân tại các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét. Xây dựng, rà soát phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện phương án. Không xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Quản lý các ao, hồ đắp tự phát, không để gây vỡ khi mưa, lũ. Những sạt lở, lũ quét nguy hiểm cần được cắm biển cảnh báo, hướng dẫn. Tăng cường các trạm đo mưa, trong đó có các trạm đo mưa cộng đồng để nâng cao nhận thức và tính chủ động trong ứng phó.
Chủ động hơn nữa trong công tác dự báo và ứng phó với thiên tai
Đề cập tới các nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, thời tiết, thiên tai đang diễn biến hết sức phức tạp, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm khắc phục những hậu quả thiên tai. Trong đó cần tập trung tìm kiếm được những người còn mất tích; hỗ trợ, thăm hỏi những gia đình nạn nhân, người dân bị ảnh hưởng của mưa bão, không để hộ dân nào trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai bị thiếu đói; hết sức chú ý hỗ trợ nhân dân sửa chữa, xây dựng lại nhà bị hỏng, bị sập, bảo đảm cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục lại sản xuất.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ nâng cao năng lực của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các cơ quan cảnh báo liên quan, trong đó đặc biệt quan tâm nâng cao nâng cao năng lực về công nghệ và về con người; cũng như thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai, các thảm họa thiên nhiên.
Các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn để tăng tần suất phát sóng, cảnh báo thiên tai để người dân chủ động ứng phó.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục rà soát, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai của các ban chỉ đạo địa phương, nhất là đối với phương châm 4 tại chỗ; đồng thời hướng dẫn địa phương xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai ở các cấp độ để chủ động đề phòng khi có thiên tai xảy ra bằng lực lượng tại chỗ, không để bị động và bất ngờ trước các tình huống.
Các địa phương tiếp tục quan tâm kiện toàn các cơ quan thường trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; không ngừng nâng cao năng lực của lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; khẳng định vai trò nòng cốt của lượng vũ trang trong công tác này.
Một điểm lớn nữa được Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng lưu ý là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, kiểm tra các công trình hạ tầng, kỹ thuật để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa bão; đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình xây dựng. Khẩn trương rà soát lại quy hoạch dân cư ở những vùng dễ xảy ra thiên tai, các điểm xung yếu dễ bị sạt lở; xây dựng các phương án, quy hoạch và kế hoạch tổ chức thực hiện việc di rời dân cư ra khỏi các vùng, các khu vực nguy hiểm.