Phát biểu tổng kết Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", tại TP. Cần Thơ, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sản xuất xanh là một mục tiêu bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu chính sách để thực hiện.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, muốn thực hành sản xuất xanh thì phải có công nghệ xanh, đổi mới sáng tạo xanh. Tuy nhiên, để đề án sản xuất xanh đi vào cuộc sống thì không thể thiếu môi trường chính sách xanh, tín dụng xanh và thị trường xanh.
“Tất cả sự đồng bộ đó được dựa trên mẫu số chung đó là phải thay đổi tư duy của cả chuỗi sản xuất và nhà quản lý. Phải xem kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là động lực để làm giàu. Trong đó, vai trò dẫn dắt từ các cấp chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp là rất quan trọng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, Net-zero hay còn gọi là phát thải ròng bằng 0, là mục tiêu mà nhiều quốc gia và tổ chức trên toàn thế giới đang hướng tới nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Net-zero là trạng thái lý tưởng khi lượng khí nhà kính thải vào khí quyển trái đất được cân bằng với lượng GHG (khí nhà kính) được loại bỏ.
Cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 28 (COP28), cùng với các định hướng chiến lược và chính sách giảm phát thải đã thúc đẩy các ngành kinh tế phải chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Do vậy, mặc dù TP. Cần Thơ không phải là địa phương nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ, nhưng địa phương vẫn quyết tâm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên 4.000 ha lúa; 1.300 ha cây ăn trái và 0 ha rau màu. Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế và các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong quản lý, khai thác và sử dụng nguồn rơm từ quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải trong sản xuất”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho hay.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh nghiệp là đơn vị tiên phong thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, mô hình này thiếu cơ chế, chính sách để phát triển nên phải dừng lại.
Theo ông Thòn mô hình sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải được Bộ NN&PTNT phát động có chính sách gần như lý tưởng, nếu diễn ra đúng kịch bản thì sẽ góp phần rất lớn trong nâng cao giá trị cho cả chuỗi ngành hàng và đóng góp lớn trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các chính sách nói trên chưa đi vào cuộc sống, người tham gia gần như chưa được hưởng lợi gì, thiếu sự hỗ trợ và ở đâu đó hệ sinh thái "bời rời như cơm ngụi", không kết nối các thành tố trong đó.
“Để đề án phát triển trong thời gian tới, cần làm rõ và phân công hợp lý các phần việc, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người làm và lợi ích người làm gồm doanh nghiệp và nông dân; các nhà hoạch định chính sách; chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý của nhà nước trong thực hiện Đề án này", ông Thòn đề xuất.
Được biết, ngành nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường khi chiếm tới 43% tổng lượng phát thải quốc gia. Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đồng thời cũng là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.