Chính trị

Thủ tướng dự Lễ công bố quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021- 2030

Trần An 09/12/2023 - 14:10

Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của “Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023".

Cùng tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực ĐBSCL, đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

img_20231209_23.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.

img_20231209_29.jpg
Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc hội nghị

Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn nhất trong khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất; cách xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông kết nối yếu kém,...

“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các ban, bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, tỉnh luôn xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là cơ sở pháp lý vững chắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển từng ngành, lĩnh vực, cũng như huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định.

img_20231209_122534.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư có dự án được cấp chứng nhận đầu tư tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng và gửi lời thăm hỏi đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau. Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra những khó khăn, thách thức, tồn tại để tìm cách hóa giải, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, quy hoạch đi trước một bước, có tính ổn định, phát triển lâu dài, tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; quy hoạch của tỉnh gắn với quy hoạch của vùng, quy hoạch của vùng gắn với quy hoạch quốc gia.

img_20231209_122533.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Cà Mau mặc dù gặp nhiều khó khăn những đã hoàn thành quy hoạch, Thủ tướng đề nghị tỉnh Cà Mau cần quản lý quy hoạch thật sự tốt. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý 3 vấn đề khó khăn của vùng ĐBSCL là chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhiều nơi sạt lở, sụt lún; giao thông dù đã có nhiều đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và về nguồn nhân lực. Theo Thủ tướng Chính phủ, trong 3 vấn đề khó khăn này của ĐBSCL, tỉnh Cà Mau cũng không ngoại lệ.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển và là cực Nam của Tổ quốc. Đây là một lợi thế lớn của tỉnh để phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nghề thủy sản. Chính vì vậy cần tập trung vào những lĩnh vực này để Cà Mau bứt phá phát triển trở thành điểm đầu cực Nam của Tổ quốc.

Theo quy hoạch tỉnh Cà Mau đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, tỉnh xác định 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng gắn với 2 hành lang kinh tế và 4 đột phá, tạo sức bật mới đưa Cà Mau tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đến năm 2030, hình thành các khu chức năng quan trọng gồm khu công nghiệp trong khu kinh tế; khu nông nghiệp công nghệ cao về thủy sản; khu cảng, hậu cần và logistics; khu dịch vụ du lịch dự kiến. Giai đoạn sau năm 2030, nghiên cứu bổ sung các khu chức năng mới phù hợp với xu hướng phát triển.

Trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2030, tiếp tục phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.025,83 ha. Cà Mau trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL.

Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất khí hydrogen, amoniac tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với điều kiện của tỉnh như phân bón, khí công nghiệp, hóa chất cơ bản.

Phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, khu kinh tế Năm Căn, đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020.

Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%.

GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 30 - 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân trên 7%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2030 bình quân tăng 12 - %/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 36%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng dự Lễ cng bố quy hoạch tỉnh C Mau thời kỳ 2021- 2030