Chính trị

Thủ tướng: Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ

Ngọc Mai 04/10/20 - 09:27

Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp.

ttg-gap-dn1-1728003438828146262292.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự cuộc gặp mặt

Sáng nay (4/10), tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Buổi gặp mặt nhằm biểu dương, cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; là chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành với doanh nghiệp.

img0405-1728004823781664740559.jpg
Thủ tướng: Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc gặp mặt được tổ chức để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Thủ tướng cho biết vừa qua, cơn bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía Bắc trở ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. "Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng nói.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 13/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh thư gửi tới giới Công Thương Việt Nam nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới Công Thương đối với nền kinh tế quốc gia: "Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…"

Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam (theo quyết định số 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ngày 20/9/2004), với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho Nhân dân.

img0410-1728004980990742044092.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu điều hành cuộc gặp mặt

Trong bối cảnh hiện nay của nước ta (với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả), chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.

"Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Gợi ý một số nội dung thảo luận, Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng; đưa ra các góp ý để đã làm tốt rồi còn làm tốt hơn nữa, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rồi đóng góp nhiều hơn nữa, đặc biệt là góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.

img0411-17280053534742073682632.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu báo cáo tại buổi gặp mặt

Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, chúng ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Luỹ kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD… Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Khng c đội ngũ doanh nhân giỏi thì dng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ